Đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim thường xảy ra sau khi bệnh nhân làm việc gắng sức, trải qua những stress nặng nề hoặc sau khi ăn quá no. Đau thắt ngực do bệnh này có hai dạng là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Cơn đau thắt ngực ổn định thường kéo dài từ 1 đến 15 phút và giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc đặt thuốc nitrates dưới lưỡi. Còn cơn đau thắt ngực không ổn định, mặc dù ít gặp nhưng nếu xuất hiện thì cơn đau ngực xuất hiện nhiều và dài hơn, không giảm khi nghỉ và ít đáp ứng với các nitrates.
Cơn đau thắt ngực có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim.
Dấu hiệu cho biết đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim
Vị trí đau thường sau xương ức, đột ngột làm bệnh nhân đang gắng sức phải ngừng lại ngay. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp, có gì đè chẹn sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Hoặc đau lan lên hai vai, lên hai bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái, lên cổ. Trường hợp không điển hình, cơn đau xuất hiện bên phải, ở vùng thượng vị mà có khi nhầm là cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay và cổ.
Tính chất đau có khi như dao đâm hoặc trái lại không đau mà chỉ có cảm giác tức ngực, khó thở, nghẹn thở, có vật gì chèn ép ở cổ, bỏng rát ở trước tim, hướng lan cũng khác, có khi xuống thượng vị hoặc ra sau lưng. Người bệnh bồn chồn, hốt hoảng, lo sợ có cảm giác sắp chết đến nơi không dám cử động vì sợ cơn đau dữ dội thêm. Thời gian đau kéo dài từ vài giây đến 10, 15 phút.
Dùng thuốc gì khi có cơn đau thắt ngực?
Khi đang đau, bệnh nhân cần phải đứng im, ngừng mọi cử động, nếu đang ở nhà hoặc không phải trong bệnh viện thì cần nằm yên hoặc theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, thường chỉ nghỉ ngơi như vậy cũng có thể hết đau, nhưng nếu đau nặng lên thì cần phải dùng thuốc và đi bệnh viện ngay.
Thuốc thường được sử dụng ngay, có thể dùng cấp cứu tại nhà là nitroglycerin ngậm dưới lưỡi. Nitroglycerin là một thuốc chống cơn đau thắt ngực và là dẫn xuất của nitrat. Thuốc dễ hấp thụ qua đường tiêu hóa, tuy nhiên lại bị chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng thấp, vì vậy thường được sử dụng dưới dạng ngậm dưới lưỡi. Nếu đặt dưới lưỡi, thuốc có tác dụng ngay sau 1 - 2 phút và đạt nồng độ tối đa sau 4 phút. Ngoài dạng ngậm dưới lưỡi, thuốc còn có dạng uống, dạng tiêm hoặc dạng dùng ngoài da, tuy nhiên dùng các dạng thuốc này ở liều cao dễ dẫn đến quen thuốc.
Nitroglycerin làm giãn tất cả các cơ trơn, nhưng không ảnh hưởng đến cơ vân và cơ tim, đặc biệt tác dụng rất rõ trên cả động mạch và tĩnh mạch lớn nên làm giảm lượng máu tĩnh mạch trở về, đồng thời làm giãn động mạch lớn, vì vậy làm giảm sử dụng ôxy cơ tim và giảm công năng tim, làm giãn mạch vành và làm lưu lượng vành tăng tạm thời. Bên cạnh đó, thuốc còn làm thay đổi phân phối máu cho tim, tăng tuần hoàn phụ cho vùng tim thiếu máu có lợi cho vùng dưới nội tâm mạc, thuốc còn chống kết tập tiểu cầu cản trở fibrinogen bám vào tiểu cầu để hình thành huyết khối, nhất là ở vùng nội tâm mạc bị tổn thương, chính vì vậy thuốc có tác dụng để điều trị cơn đau thắt ngực. Ngoài ra, thuốc làm giãn mạch toàn thân trực tiếp và thoảng qua nên làm giảm lưu lượng tim, giảm sức cản ngoại vi và lưu lượng tâm thu nên thuốc còn có tác dụng gây hạ huyết áp.
Với điều trị cấp cứu cắt cơn đau thắt ngực thường dùng loại 0,25mg hoặc 0,75mg ngậm dưới lưỡi; để điều trị dự phòng thường dùng loại 2,5mg hoặc 7,5mg để uống; có thể dùng dạng dán ngoài da vùng ngực trái hoặc dạng mỡ bôi.
Tuy nhiên, cần chú ý khi sử dụng thuốc có thể gây ra tình trạng giãn mạch ngoại vi làm đỏ bừng da nhất là vùng ngực, mặt, mắt, có thể gây tăng nhãn áp; thuốc có thể gây giãn mạch não làm cho bệnh nhân bị nhức đầu, có thể làm tăng áp lực nội sọ; làm hạ huyết áp tư thế đứng; gây tăng tiết dịch vị, làm tăng nhịp tim; nếu sử dụng liều cao kéo dài sẽ gây quen thuốc; do đó thuốc không được sử dụng cho bệnh nhân huyết áp thấp (huyết áp tối đa < 100mmHg), bệnh nhân bị tăng nhãn áp hoặc tăng áp lực nội sọ.
Bên cạnh việc điều trị cấp cứu, cần tìm hiểu kỹ để điều trị nguyên nhân gây nên cơn đau thắt ngực. Điều trị lâu dài bằng các loại thuốc giãn mạch khác như: lenitral, isosorbit, tildiem, vastarel... hoặc bằng phẫu thuật động mạch vành, khoét mảng xơ vữa động mạch, bắc cầu nối, nong động mạch vành.
Bên cạnh việc dùng thuốc, người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng cần hạn chế lao động chân tay và trí óc, tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang, ngược gió, tránh lạnh, tránh gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chậm nhưng không chơi thể thao nặng như tập tạ, tennis, chú trọng giải trí, nghe nhạc... Không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguyên nhân xuất hiện cơn đau, hạn chế cà phê đặc và nước chè đặc vì nó gây mất ngủ. Không nên ăn những bữa quá thịnh soạn, không uống rượu. Ăn hạn chế chất có nhiều lipid và cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, gan, thận và nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
ThS. Nguyễn Thu Hiền