Hà Nội

Thuốc nào chữa viêm phổi ở trẻ em?

22-12-2021 14:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu đưa đến nhập viện và tử vong ở trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Dùng thuốc nào ứng phó khi trẻ bị viêm phổi?

Viêm phổi: Dùng thuốc và cách phòng ngừa hiệu quảViêm phổi: Dùng thuốc và cách phòng ngừa hiệu quả

SKĐS - Hiện tại nước ta đang trong thời điểm giao mùa. Thời tiết lạnh dễ tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lưu hành. Trong đó, viêm phổi là bệnh lý thường gặp và có thể kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng. Đây cũng là nhóm nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận có tới 156 triệu ca viêm phổi mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong có có 20 triệu ca viêm phổi nặng cần nhập viện.

Ở các nước phát triển có tỉ lệ khoảng 33/10.000 trẻ dưới 5 tuổi bị viêm phổi mỗi năm. Còn ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh môi trường, chăm sóc y tế còn kém tỉ lệ này cao hơn nhiều. Ước tính có hơn 2 triệu ca tử vong mỗi năm do các vấn đề hô hấp trong đó chủ yếu là viêm phổiở các quốc gia đang phát triển.

Viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất...

Điều trị viêm phổi trẻ em, những điều phụ huynh cần biết - Ảnh 1.

Các triệu chứng viêm phổi ở trẻ.

1. Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi

Viêm phổi được chia ra viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện. Viêm phổi bệnh viện là trẻ bị nhiễm tác nhân gây viêm phổi bệnh lưu hành trong bệnh viện khi trẻ có bệnh khác phải nằm viện quá 48 giờ. 

Trong bài viết này chỉ đề cập tới viêm phổi mắc phải tại cộng đồng. Đối với phụ huynh cần nghi ngờ trẻ bị viêm phổi khi trẻ có:

- Ho: Có thể ho nhiều hay ít, ho khan hay có đờm.

- Sốt: Sốt từ nhẹ đến cao, sốt ít hoặc không sốt.

- Thở nhanh khi trẻ nằm im, không quấy khóc, không sốt.

Trong 3 triệu chứng trên thì thở nhanh là quan trọng nhất. Đếm nhịp thở trong vòng 1 phút, gọi là nhanh khi:

- Thở trên 60 lần trở lên với trẻ dưới 2 tháng.

- Trên 50 lần  với trẻ 2-12 tháng.

- Trên 40 lần  với trẻ 1-5 tuổi.

- Trên 20 lần trở với trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác như: Khò khè, bú kém, thở co lõm ngực, tím quanh môi...

Điều trị viêm phổi trẻ em, những điều phụ huynh cần biết - Ảnh 2.

Với trẻ sơ sinh có biểu hiện của viêm phổi, cần đưa trẻ nhập viện ngay.

Tại bệnh viện hay phòng khám bác sĩ có thể phát hiện thêm một số triệu chứng khác như nghe phổi có tiếng bất thường: Rale ngáy, rale rít, rale ẩm, rale nổ...

2. Biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà

Đối với trẻ có chỉ định điều trị và chăm sóc ngoại trú, không có chỉ định nằm viện, thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dùng tại nhà. 

Tùy theo nguyên nhân, độ tuổi cũng như dịch tễ bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh phù hợp.

Kháng sinh: Nếu với loại kháng sinh được kê, trẻ đáp ứng tốt điều trị, thì tiếp tục dùng thuốc với liệu trình điều trị kéo dài ít nhất từ 7-10 ngày. Có trẻ phải dùng thuốc tới 14 ngày.

Việc dùng kháng sinh cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ đã kê. Không vì thấy trẻ đỡ bệnh và sợ tác dụng phụ của kháng sinh mà tùy ý ngừng thuốc. Bởi khi ngừng thuốc mà chưa diệt được hết vi khuẩn, bệnh sẽ sớm quay lại và nguy cơ kháng kháng sinh của vi khuẩn là rất lớn, sẽ khó khăn cho điều trị sau này.

Kháng sinh có thể khiến trẻ gặp tác dụng phụ là gây rối loạn tiêu hóa, do đó bác sĩ sẽ kê thêm men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp giảm triệu chứng tiêu chảy do kháng sinh.

Các điều trị hỗ trợ khác như cần phải cung cấp đủ nước cho trẻ thông qua sữa, nước uống trực tiếp, súp, cháo. Theo dõi xem bé có được uống nước đầy đủ hay không thônng qua tình trạng đi tiểu. Nếu trẻ đi tiểu ít, nước tiểu có màu vàng có thể đó là dấu hiệu của thiếu nước.

Vệ sinh mũi: Thông thường các trẻ bị viêm phổi cũng kèm theo viêm hô hấp trên. Do đó có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc nước muối dạng xịt phun sương. Lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn (lấy bông cuộn lại hình bấc sâu kèn để lấy nhầy mũi cho bé nhằm tránh tổn thương niêm mạc mũi).

Hạ sốt: Khi bị viêm phổi, bé sốt có thể quấy khóc khó chịu do sốt. Nếu bé  sốt trên 38 độ C mà có biểu hiện khó chịu, quấy thì có thể dùng thuốc hạ sốt. Thuốc được lựa chọn thông thường là paracetamol (trừ những trẻ có chống chỉ định với thuốc này). Liều dùng và cách dùng cũng như dạng bào chế cần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc giảm ho: Để dùng thuốc giảm ho an toàn cho bé (khi cần), nên sử dụng các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp bé dễ chịu hơn.

Ngoài ra, cần chú ý làm ẩm không khí trong phòng, sẽ hỗ trợ niêm mạc hô hấp. Phòng nên để thoáng mát. Tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

3. Dấu hiệu cảnh báo trẻ cần nhập viện điều trị

 - Tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi cần nhập viện ngay.

 - Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và có sốt cao trên 38.5 độ C.

- Trẻ có dấu hiệu nguy kịch hô hấp mức độ trung bình đến nặng: Nhịp thở trung bình > 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở, tím tái, li bì…

- Trẻ bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít).

Nếu trẻ mắc viêm phổi mà không được phát hiện sớm, để điều trị muộn hoặc không đúng cách, hoặc viêm phổi do vi khuẩn độc lực quá mạnh có thể gây ra các biến chứng, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Tràn dịch, tràn mủ, tràn khí khoang màng phổi.
  • Viêm phổi hoại tử, áp xe phổi.
  • Kén khí phổi.
  •  Hạ natri máu.

4. Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em bằng cách nào?

Trước hết cần nâng cao sức đề kháng của trẻ thông qua việc cung cấp dinh dưỡng tốt. Cho ăn đúng và đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng; thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ để biết được  tình trạng dinh dưỡng  của con.

Cải thiện môi trường sống:

- Nhà ở phải để thoáng mát, thường xuyên vệ sinh không tiếp xúc với người hút thuốc lá.

- Hạn chế tiếp xúc với người  có biểu hiện bệnh hô hấp: Ho, sốt...

- Vệ sinh mũi họng: Với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ khò họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi đi ngoài đường có bụi bẩn, đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi đường.

Phòng ngừa đặc hiệu:

- Điều trị bệnh nền nếu có: Suy dinh dưỡng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh tim bẩm sinh...

- Tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine. 

+ Tiêm phòng vaccine HiB có thể đi theo chương trình tiêm chủng mở rộng với các mũi 5 trong 1 vào tháng thứ 2, 3, 4.

+ Tiêm sởi lúc 9 tháng và 18 tháng, hoặc tiêm mũi 3 trong 1: Sởi - quai bị - rubella; hoặc mũi 2 trong 1: Sởi- rubella. Vaccine 2 trong 1 hoặc 3 trong 1 này tiêm khi trẻ đủ 12 tháng.

+ Phế cầu loại liên hợp dành cho trẻ nhỏ, tiêm vào các tháng thứ 2, 4, 6. Tiêm nhắc lại khi trẻ được 12-15 tháng.

+ Cúm tiêm cho trẻ sau 6 tháng tuổi.

Trẻ dưới 9 tuổi tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần.

Trẻ từ 9 tuổi trở lên tiêm 1 liều.

Tiêm nhắc lại mỗi năm, vì virus cúm thay đổi kháng khuyên hàng năm.

‎Nên tiêm đón đầu trước mùa bệnh 1-2 tháng.

Mời độc giả xem thêm video:

Cháo trai- món ăn bổ dưỡng

BS. Trần Văn Công
Ý kiến của bạn