Có nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc chữa trĩ một cách bừa bãi, tự dùng thuốc... mà không được sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ tiêu hóa khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Bệnh trĩ (còn gọi là lòi dom) là một hiện tượng mà các mạch máu (tĩnh mạch trĩ) bị giãn nở quá mức, hình thành các búi trĩ, xuất hiện bên trong hoặc ngoài hậu môn. Bệnh này khá phổ biến ở người trưởng thành. Trĩ các thể loại đều gây đau rát hoặc chảy máu khi đi đại tiện.
Có rất nhiều thứ thuốc bôi ngoài để giảm các triệu chứng cho bệnh trĩ. Các thuốc bôi ngoài thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và làm dịu da, có thể kết hợp trong đó một loại thuốc tê để giảm đau. Khi không có nhiễm khuẩn có thể kết hợp với corticosteroid ngắn hạn để giảm đau chống viêm cho người bị trĩ. Một số chất khác hay được kết hợp do tính chất làm dịu như bismuth, kẽm oxid, hamamelis, resorcinol... trong một số loại kem bôi chữa trĩ có tác dụng làm trơn, co mạch hoặc sát khuẩn nhẹ. Các dạng bào chế hay dùng là thuốc mỡ, kem bôi, thuốc đạn đặt hậu môn chủ yếu để làm giảm triệu chứng. Các bioflavonoid cũng được kết hợp trong các thuốc bôi ngoài, đường uống và cùng với một số chất khác như calci dobesilat, tribenosid được dùng do tính chất bảo vệ thành tĩnh mạch.
Diosmin: Là một flavonoid có tác dụng chống ôxy hóa có trong nhiều loại thực vật. Thuốc làm tăng cường chức năng mao mạch để điều trị trĩ. Hay dùng các sản phẩm như daflon, flebosmil... Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cũng như các loại thuốc chữa trĩ khác, bệnh nhân cần chú ý việc kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, hợp lý thì thuốc mới phát huy hiệu quả và phòng ngừa bệnh tái phát.
Cả trĩ nội và ngoại đều ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Các thuốc mỡ, thuốc đạn: Có tác dụng gây tê, làm săn và chống viêm để điều trị trĩ như kem bôi trực tràng proctolog... Mỡ bôi trực tràng hoặc thuốc đặt hậu môn preparation H, proctoson... Các dạng thuốc này thường dùng trong các trường hợp trĩ nhẹ, có nhiều thành phần khác nhau, với công dụng khác nhau như thuốc bôi làm giảm đau, chống viêm, bảo vệ và làm bền chắc tĩnh mạch, thuốc bôi làm giảm viêm, ngứa; thuốc bôi sát trùng, làm lành vết thương, chống tụ máu, chống tắc mạch... Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc bôi nào. Trong một số loại thuốc bôi có thành phần hydrocotison có thể gây mỏng da nếu dùng lâu dài, vì vậy, người bệnh cần tránh lạm dụng thuốc bôi dạng này. Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần chú ý làm sạch vùng bôi bằng cách ngâm rửa vùng hậu môn bằng nước muối loãng, sau đó dùng khăn mềm sạch lau khô rồi mới bôi thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Thuốc chữa bệnh trĩ là kháng sinh, giảm đau, chống viêm: Có nhiều loại và được phối hợp theo phác đồ tùy tình trạng bệnh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm ở hậu môn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp giảm đau và chống viêm sưng rất cần thiết khi bệnh nhân bị trĩ gây nhiễm khuẩn, sưng viêm. Các thuốc chống viêm giảm đau hay dùng là: acetaminophen, aspirin, ibuprofen... Các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh tránh lạm dụng, chỉ dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc làm tiêu trĩ: Có tác dụng làm co thắt mạch và làm tiêu trĩ, như phenylephrine, thuốc đạn mediconem, trĩ đạn gây mê tronolane. Thuốc mỡ bôi ngoài... Thuốc bảo vệ thành hậu môn, giúp cho hậu môn tránh bị tổn thương, thành hậu môn được làm lành nhanh chóng, ngăn ngừa tình trạng lở loét và viêm nhiễm sang các vùng khác do biến chứng hay dùng như desitin, glycerlin, lanolin ...
Các thuốc từ dược liệu: Rất nhiều loại cây cỏ có tác dụng tốt chữa trĩ như: rau diếp cá, lá thiên lý, lá cây sống đời (cây bỏng), quả đu đủ... Người bệnh cũng có thể dùng cây hương nhu, cỏ ấu đem nấu với nước để xông hơi hoặc rửa vùng hậu môn rất hiệu quả.
Phòng bệnh: Để phòng tránh bị bệnh trĩ, cần ăn uống khoa học, ăn đủ rau xanh và trái cây. Tránh để táo bón, nhất là táo bón kéo dài. Cần năng vận động, tránh ngồi lâu, chú ý uống đủ nhu cầu nước trong ngày.