Tuy nhiên gần đây, web drama của nghệ sĩ Việt đang cho thấy nội dung thường nghiêng về yếu tố thế giới ngầm, chém giết... và âm nhạc có phần dung tục, phản cảm khiến người xem không khỏi lo lắng.
Lo từ nội dung đến âm nhạc
Đến thời điểm này, web drama đã thực sự bùng nổ trong làng giải trí nước ta. Nội dung của web drama không bị hạn chế như dòng phim truyền hình, hay phim điện ảnh nên các nghệ sĩ tha hồ thể hiện ý tưởng và thông điệp tới người xem. Không khó để nhận thấy, nội dung của web drama ở nước ta đã mở rộng ra đủ loại chủ đề đa dạng như học đường, showbiz, tấu hài, cổ trang, kiếm hiệp, đồng tính, phim âm nhạc, kinh dị...
Những nghệ sĩ nổi lên như cồn nhờ sản phẩm web drama có thể kể đến diễn viên Huỳnh Lập, Nam Thư, Thu Trang, Việt Hương, Võ Đăng Khoa; ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chấn Khang,... Song khán giả khi xem web drama thường bắt gặp nội dung bạo lực và phản cảm. Không khó để nhận thấy, những phim ngắn như: Giang hồ Chợ Mới, Thập Tam muội, Vi Cá tiền truyện, Thập Tứ cô nương, Chết thì chịu,... thu hút hàng chục triệu lượt người xem nhưng đều có một điểm chung làm công chúng lo ngại. Đó là những hình ảnh súng đạn, những nhân vật xăm trổ, cảnh đánh đấm, đâm chém, thanh trừng lẫn nhau ghê rợn xuất hiện thường xuyên trước mắt người xem.
Ngoài ra, series Lan Quế Phường gần đây cũng bị khán giả đánh giá là thảm họa. Nội dung của Lan Quế Phường tràn ngập cảnh nóng, khoe thân, động chạm và thuần túy chuyện giới tính, đôi khi pha chút thù hận, báo thù, tranh giành nên rất nhảm và nhạt. Bên cạnh đó, web drama Tân Kim Bình Mai của một nghệ sĩ hài có tiếng ở phía Bắc thực hiện, khi đưa lên mạng đã bị chê tơi tả. Tân Kim Bình Mai làm người xem phát hoảng vì những mảnh vải khoác hờ hững, khoe da thịt của các nữ diễn viên là chính. Cùng với đó là nội dung nhảm nhí, lời thoại thô, nhiều đoạn tục và kém duyên nên khán giả tẩy chay không thương tiếc. Cộng đồng mạng cũng “phát khiếp” với các web drama ngay từ tên gọi, như: Chê vợ xuống sắc, chồng theo bồ nhí bốc lửa và cái kết; Đưa bạn gái lên giường và cái kết cực gắt;...
Không chỉ có nội dung, hình ảnh khiến người xem lo ngại, một số web drama còn sử dụng âm nhạc có phần phản cảm. Điển hình trong web drama Vi Cá tiền truyện, ca khúc Anh Vi Cá do BlackBi thể hiện theo thể loại rap, có phần lời rất chối tai: Mày thích chơi tới đâu thì tao chiều mày tới đó/ Ra đường ngó trước ngó sau/ Coi chừ̀ng đầu mày băng bó/ Mày sống chó như chó sống với nhau...
Tương tự, trong web drama Thập tam muội với nhiều chục triệu lượt xem, ca khúc cùng tên có ca từ mà nhiều người khi nghe cảm nhận rõ sự hận thù, bạo lực và phi thẩm mỹ: Nhiều lúc khốn khó có mấy thằng chó nó bung nó chạy/ Phước lớn mạng lớn xém chết biết bao nhiêu lần..., Thập tam muội nữ trung hào kiệt vang danh một thời chứ đâu giỡn chơi/ Khi họ dồn ta vào đường cùng thì cây dao cùn vẫn lấy được tiết/ Nếu mà ta không lấy được tiết thì người lấy tiết ngược lại là nó.
Làm gì để có “chất”?
Để hạn chế web drama có yếu tố phản cảm, bạo lực và âm nhạc khó nghe, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nan giải và không của riêng ai. Được biết, hiện tại Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) mới chỉ kiểm duyệt nội dung phim chiếu rạp, nội dung ở các sản phẩm web drama lại không chịu sự kiểm duyệt của đơn vị này vì sản phẩm được đưa trên mạng. Trong khi đó, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng có thể “chặn”, “hạ” nội dung, thông tin không tốt trên mạng, tuy nhiên việc nhận định, đánh giá nội dung sản phẩm thế nào, cần có sự thẩm định từ Cục Điện ảnh. Như vậy, muốn không để lọt web drama có nội dung, hình ảnh, âm nhạc phản cảm trên mạng thì các cơ quan chức năng phải cần có sự liên kết chặt chẽ, bịt lỗ hổng để web drama không thể lách luật.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều quan trọng nhất, trên môi trường mạng, nghệ sĩ phải tự “duyệt” chính mình thay vì tìm mọi cách để lách luật. Không có cơ quan kiểm duyệt nào bằng lương tâm của chính mình. Nghệ sĩ làm web drama phải là người tự kiểm duyệt trước mới quyết định đưa ra khán giả chứ không nên chạy theo trào lưu, “câu view” một cách bất chấp. Ngoài ra, khán giả cần có tiếng nói phản biện, lên án và tẩy chay các web drama nhảm, nhạt để các nhà sản xuất thay đổi tư duy sáng. Nếu người xem vẫn dễ dãi, âm thầm “chịu trận” với những web drama phản cảm thì vô hình trung đang tiếp tay, tạo đất sống cho các sản phẩm phi nghệ thuật!