Hà Nội

Thuốc Nam và thực phẩm dùng trong bệnh kiết lỵ mùa hè

25-07-2018 15:49 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Mùa hè với tiết trời nắng nóng, oi bức, là điều kiện thuận lợi để gây ra các bệnh của đường tiêu hóa, trong đó bệnh kiết lỵ là thường gặp nhất

Mùa hè với tiết trời nắng nóng, oi bức, là điều kiện thuận lợi để gây ra các bệnh của đường tiêu hóa, trong đó bệnh kiết lỵ là thường gặp nhất. Đông y có những bài thuốc hay để điều trị chứng bệnh này.

Rau sam là một trong những vị thuốc điều trị kiết lỵ
Rau sam là một trong những vị thuốc điều trị kiết lỵ

Y học hiện đại cho rằng, bệnh kiết lỵ do Amip, hoặc các trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống, nước rửa rau quả; ruồi, thú vật nuôi có mang mầm bệnh; do tay bẩn, các bào nang dính dưới móng tay cầm thức ăn.

Theo Đông y, những nguyên nhân có thể gây bệnh kiết lỵ:

- Do ăn uống thất thường, khi no quá khi đói quá, ăn uống các thức ăn, thức uống có chứa nhiều nhiệt khí và thấp khí (Đông y gọi là thấp nhiệt), dễ bị nhiễm khuẩn, làm tích độc ở đường ruột, làm thương tổn hệ tiêu hóa mà sinh ra.

- Do thời tiết nhiều khí thử nhiệt (khí nắng nóng gắt), kết hợp với khí ẩm thấp, làm cho tạng phủ bất hòa, tỳ vị thương tổn cũng phát bệnh.

- Do ưa thích ăn uống đồ mát lạnh (nước giải khát ướp lạnh, hoa quả ướp lạnh, bia lạnh, kem lạnh, nước đá…), sau khi vào đến dạ dày và đường ruột, các loại này sẽ gây kích thích, khiến cho mạnh máu của dạ dày và đường ruột bị co thắt, dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ.

Triệu chứng của bệnh kiết lỵ thường: đau bụng ở manh tràng (hố chậu phải), dọc theo khung đại tràng, đi cầu nhiều lần nhưng có lần ra phân, có lần không ra phân, ngày đi cầu 5 - 10 lần..

Thường đi cầu ra phân lỏng, sau đó ra chất nhầy có lẫn máu, mủ, mùi hôi tanh.

Người bệnh có thể sốt nhẹ, có thể không. Nếu bệnh do nhiễm khuẩn Shigella thì có sốt cao.

Một số bài thuốc

Kiết lỵ đi cầu ra nhiều máu:

- Rau sam tươi 200g, rửa thật sạch, giã vắt lấy nước cốt, đem đun sôi rồi pha thêm một muỗng cà phê mật ong. Cho uống vào lúc đói bụng. Có thể đem hòa nước rau sam với nước cơm để uống.

- Hoa dâm bụt đỏ, phơi khô trong im (phơi âm can), tán thành bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, vào lúc đói bụng. Uống với nước ấm.

- Là non cây ích mẫu 20 - 30g, nấu cháo với 50g gạo tẻ để ăn vào lúc đói bụng.

- Hạt sen (bỏ tim, sao vàng), mè đen (sao thơm), củ khoai mài (sao thơm). Ba thứ tán bột mịn.

Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 24 - 30g bột, trộn đều với mật ong, uống với nước ấm.

- Hoa hồng đỏ (hoặc hoa cúc bách nhật), hoa tường vi, mỗi thứ 16 - 20g, nấu với 750ml, sắc còn 200ml, thêm ít đường phèn, chia 2 lần uống trước khi ăn.

Kiết lỵ đi cầu ra nhiều mủ:

- Rau sam tươi 200g, rửa thật sạch, giã vắt lấy nước cốt, đem đun sôi rồi pha thêm một muỗng cà phê đường trắng. Cho uống vào lúc đói bụng.

- Hoa dâm bụt trắng, phơi khô trong im, tán bột, uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, lúc đói bụng. Uống với nước ấm.

Hoa dâm bụt trắng
Hoa dâm bụt trắng

- Hoa kim ngân (sao vàng thơm) tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8 - 12g với nước đường phèn, vào lúc đói dụng.

- Củ cải trắng ép lấy nước 500ml, nấu chín rồi hòa với đường trắng. Chia 3 lần uống trước bữa ăn.

- Hạt mùi (ngò) sao thơm, tán bột. Ngày uống 2 lần mỗi lần 8 - 12g với ít nước đường, vào lúc đói bụng.

Kiết lỵ ra nhiều máu lẫn mủ (xích bạch lỵ):

- Rau sam 50g, lá phượng vĩ (cây seo gà) 20g, bông mã đề 15g, lá mơ lông 15g. Các thứ trên cho vào nồi, đổ hai bát nước, sắc còn một bát, chia uống hai lần.

- Rau sam 50g, rau má 30g, cỏ mực 30g, cỏ sữa lá nhỏ 20g, vỏ quýt 2g.

Các thứ trên rửa thật sạch, cho vào nồi, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

- Dùng cả hoa dâm bụt trắng lẫn hoa dâm bụt đỏ, phơi khô trong bóng râm, tán bột, uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, lúc đói bụng. Uống với nước ấm.

Lá mơ
Lá mơ

- Lá mơ lông tươi 30 -50g rửa sạch, xắt nhỏ, trộn với 1 cái lòng đỏ trứng gà, bọc trong lá chuối, nướng chín đều. Ngày ăn 2 lần.

Nếu uống thêm nuớc sắc hoa mã đề thì hiệu quả càng tăng.

- Cây mã đề (cả rễ và hoa lá) 24g, rễ cây ý dĩ 20g. Nấu với 750ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống lúc đói.

Cây mã đề
Cây mã đề

- Rau má 100g, cỏ sữa lá nhỏ 30g. Hai thứ rửa thật sạch, cho vào nồi, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày, uống vào lúc đói. Uống liên tục trong 3 ngày.

- Rau dền (cả trắng và đỏ) 100g, rau sam 100g, rau đay 20g. Ba thứ rửa thật sạch, nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml. Chia uống 2 lần trong ngày. Uống liên tục trong 3 ngày.

- Hạt mè xát bỏ vỏ, sao thơm, tán bột. Ngày dùng 3 - 4 lần, mỗi lần 6 - 12g, uống với nước chín, hòa với ít mật ong để uống.

Dùng thực phẩm hợp lý:

Khi bị bệnh kiết lỵ thì không nên ăn các thức ăn có chất tanh (tôm, cua, sò, ốc), thức ăn béo ngậy (chứa nhiều dầu, mỡ), các chất cay nóng (quế, tiêu, ớt, gừng, tỏi, hành…), thức ăn uống sống lạnh (rau sống, kem, nước đá, hoa quả ướp lạnh). Nên giảm bớt thực phẩm giàu protein như sữa bò, cá, thịt, trứng... trong bữa ăn hàng ngày.

Những thức ăn có vị đắng như: mướp đắng, rau đắng, rau má, atisô, trà xanh… có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, có thể giúp cho tinh thần thư thái, không bị nóng bứt rứt, ăn ngon miệng...

Tuy nhiên, nếu ăn uống một lượng quá nhiều thức ăn có vị đắng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, gây buồn nôn hoặc đau bụng, đi cầu lỏng…

Người bị kiết lỵ nên ăn những thức ăn thanh đạm, nấu loãng, dễ tiêu hóa, không có nhiều xơ khó tiêu, và dầu mỡ. Nếu bị bệnh mạn tính, cần ăn các món ít xơ bã, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, không có tính kích thích.

Những thực phẩm có ích cho người kiết lỵ gồm có: gạo lứt, gạo tẻ, gạo nếp, hạt sen, khoai mài, củ sen, đậu xanh đậu ván, đậu Hà Lan, đậu non, cà rốt...

Cách chế biến món ăn chủ yếu là nấu thành canh, thành cháo, không cho dầu mỡ. Người bị mất nước nhiều có thể uống thêm nước oresol, nước muối đường (1/8) pha loãng, nước cháo cà rốt.

Phòng ngừa

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến kiết lị và các bệnh đường tiêu hóa, cho nên để phòng ngừa kiết lỵ, cần lưu ý giữ an toàn vệ sinh trong việc ăn uống.

Phải rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên giữ gìn vệ sinh răng miệng. Luôn luôn ăn chín, uống sôi.

Nếu ăn rau sống cần rửa thật sạch, rửa đúng cách. Các thức ăn nấu chín cần che đậy kỹ, tránh ruồi nhặng.

Thức ăn nên dùng các loại tươi, sạch, có xuất xứ rõ ràng. Không nên lưu trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh. Tốt nhất nên sử dụng liền sau khi mua về. Nếu trữ các loại hoa quả trong tủ lạnh, thì phải được rửa sạch trước khi để vào, khi lấy ra ăn nên nhớ rửa lại. Những thức ăn còn thừa cất giữ trong tủ lạnh, khi lấy ra ăn cần phải hâm nóng lại.

Ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, điều độ, có giờ giấc, chia ăn làm nhiều bữa, nhai kỹ thức ăn, uống đủ nước sạch.

Lưu ý việc vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp.

Đặc biệt, nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ phải sạch sẽ.

Vào mùa hè oi bức, nên lưu ý kết hợp giữa lao động và nghỉ ngơi, để tránh quá mệt mỏi; ngủ đủ giấc và giữ cho tinh thần được nhẹ nhàng, thoải mái.


Lương y Đinh Công Bảy
Ý kiến của bạn