Hà Nội

Thuốc nam trị ngứa lở ngoài da

26-03-2010 07:10 | Y học cổ truyền
google news

Ngứa ngoài da thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân hè. Nguyên nhân gây bệnh có thể do thời tiết, do dị ứng, do độc tà, do viêm nhiễm...

 Liên kiều.
Ngứa ngoài da thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân hè. Nguyên nhân gây bệnh có thể do thời tiết, do dị ứng, do độc tà, do viêm nhiễm...

Nguyên tắc xử trí chứng bệnh này là phải thanh nhiệt, tiêu độc, chống viêm, chống dị ứng... Trong điều trị cần thiết lập những phương thuốc phù hợp với từng chứng trạng, từng thể lâm sàng.

Ngứa nhiều gãi nhiều, mặt da bị trầy xước, tiết dịch: ngân hoa 20g, liên kiều 12g, thương nhĩ (sao) 12g, tang diệp 20g, kinh giới 16g, sài đất 16g, lá đơn đỏ 16g. Đổ 1.600ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 500ml, chia 2 lần uống trong ngày. Gia giảm:

- Nếu bệnh nhân mất ngủ gia hắc táo nhân 16g, viễn chí 12g.

- Bệnh nhân bị táo nhiệt gia chỉ xác 10g, sinh địa 12g, chi tử 12g.

Ngứa nhiều ở vùng kín, có biểu hiện viêm nhiễm: lá đinh lăng 20g, lá vông 20g, kinh giới 16g, nam hoàng bá 16g, chi tử 12g, bồ công anh 16g, thổ linh 20g, sài hồ 16g, cam thảo 12g. Đổ nước 1.600ml, sắc lọc bỏ bã lấy 500ml. Chia 2 lần uống trong ngày. Công dụng: chống nhiễm khuẩn, chống ngứa. Trường hợp này cần dùng thêm bài thuốc rửa sau:  lá kim ngân, lá hòe, kinh giới, lá chè xanh mỗi thứ 1 nắm. Đổ nước nấu sôi để âm ấm dùng nước này để rửa nơi bị tổn thương. Ngày 2 lần.

Ban chẩn do dị ứng thời tiết: ban nổi khắp người. Bệnh nhân có thể sốt, tiểu đỏ, ít ngủ, trằn trọc: thương nhĩ 16g, ngân hoa 20g, liên kiều 10g, thổ linh 20g, lạc tiên 16g, tâm sen 16g, phòng phong 12g, đương quy 12g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 12g, nam hoàng bá 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Gia giảm:

- Đau tức hạ sườn phải, tiểu vàng, da vàng gia đan bì, chi tử mỗi vị 12g; hạ liên châu 20g.

- Bụng đầy, tiêu hóa trì trệ, ăn ít gia bạch truật 16g, hậu phác 10g, biển đậu 16g, trần bì 10g.

- Ho hen, mắc đờm, khó thở gia tía tô 16g, trần bì 12g, cát cánh 12g, thiên môn 16g, mơ muối 10g.

 Hoa ngũ sắc - vị thuốc nam chữa ngứa lở.
Điều trị bệnh zona: Những tổn thương của zona gây đau nhức, thường có ở một bên cơ thể, khu trú theo rễ và các đám rối thần kinh. Tại vùng có tổn thương mặt da sưng nề, giảm sự đàn hồi. Mụn nước gây cương cứng, đau nhức tăng lên. Dùng phương pháp trừ thấp, thanh nhiệt, chống viêm, an thần.

Bài 1: Thổ phục linh 20g, tục đoạn nam 20g, kinh giới 16g, quả ké 16g, ngân hoa 20g, bối mẫu 12g, bạch thược 12g, cây cứt lợn (ngũ sắc) 20g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: phòng phong 12g, kinh giới 16g, đan bì 10g, chi tử 12g, ngân hoa 16g, đan sâm 16g, sa sâm 12g, đương quy 12g, hoa hòe 12g, lá dấp cá 20g, lá đinh lăng 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trong khi dùng thuốc uống, cần kết hợp dùng bài nước tắm sau: kinh giới, kim ngân, lá hòe, lá chè xanh, lá mít mỗi thứ 1 nắm. Các vị rửa sạch cho vào ấm đổ nước nấu sôi, để âm ấm. Dùng nước thuốc này tắm rửa vùng bị tổn thương. Thấm khô bằng gạc vô khuẩn. Mặc quần áo rộng bằng loại vải mềm mỏng.         

Lương y Trịnh Văn Sỹ


Ý kiến của bạn