Thuốc thanh nhiệt giải độc là những thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, tiêu độc, giải độc chữa những bệnh do nhiệt độc, hỏa độc gây ra: Ban sởi, mụn nhọt, đinh độc, viêm tấy đau nhức, viêm đường hô hấp, dị ứng viêm nhiễm ngoài da, mồm lưỡi loét, nôn ra máu, chảy máu cam, nước tiểu đỏ, viêm đại tràng, táo bón, kiết lỵ…
Để chữa sớm một số bệnh đơn giản ngay tại nhà khi mới mắc bệnh, xin giới thiệu một số vị thuốc nam và bài thuốc thanh nhiệt giải độc sau đây.
1. Các vị thuốc nam thanh nhiệt giải độc
1.1 Bồ công anh
Bộ phận dùng: Thân mang lá đã phơi hay sấy khô của cây bồ công anh.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết; chữa mụn nhọt sang lở, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cách dùng: Ngày dùng từ 8 - 30 g dược liệu khô, dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Dược liệu tươi dùng đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.
1.2 Diếp cá thanh nhiệt giải độc
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất còn tươi hay đã phơi hay sấy khô của cây diếp cá.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, bài nùng, tiêu sưng; chữa phế ung, phế nhiệt, thực nhiệt lỵ, nhiệt lâm, mụn nhọt, đau mắt, trĩ, kinh nguyệt không đều.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 15 -25 g dược liệu khô, sắc nhanh; hoặc từ 30 - 50 g dược liệu tươi sắc hoặc giã vắt lấý nước uống. Dùng ngoài lượng thích hợp, giã nát đắp tại chỗ hoặc sắc lấy nước để xông hoặc rửa vết thương.
Diếp cá có công dụng thanh nhiệt giải độc.
1.3 Rau má
Bộ phận dùng: Toàn cây tươi hoặc phơi khô của cây rau má.
Công dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu sưng. Chữa hoàng đản (vàng da) do thấp nhiệt, tiêu chảy, nôn ra máu, chảy máu cam, nhọt độc sưng, tiểu tiện rắt buốt.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 30 - 40 g rau má tươi, vò nát, lấy nước hoặc sắc uống. Dùng dược liệu khô, ngày dùng từ 15 – g, sắc uống.
Dùng ngoài: Dùng dược liệu tươi, lượng thích hợp giã nát, đắp chữa vết thương do ngã, gây xương, bong gân và làm tan ung nhọt.
1.4 Rau sam
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất còn tươi hay được phơi hoặc sấy khô của cây Rau sam
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, chỉ lỵ; chữa xích bạch lỵ, đinh nhọt, chàm, thâm quầng, rạn hay trùng thú cắn, tiểu tiện ra huyết, tụ huyết.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 9 - 10 g dược liệu khô hoặc 30 - 60 g dược liệu tươi. Dùng ngoài giã nát đắp tại chỗ với lượng thích hợp.
Rau sam có thể dùng dược liệu khô hoặc tươi, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
2. Bài thuốc Nam thanh nhiệt giải độc
2.1 Thang tiêu độc (Nam Y Nghiệm Phương)
Thành phần: Sài đất 30g, thổ phục linh 30g, kim ngân hoa 30g, bồ công anh 30g, ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) 30g.
Cách dùng: Các vị thuốc cho vào 1000ml nước, sắc lấy 300ml nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày, ngày uống 1 thang.
Công dụng: Khử hủ sinh cơ (làm mất các tổ chức hoại tử, làm mau mọc tổ chức hạt); có tác dụng chữa phấn thích, mụn do phong nhiệt, mụn đỏ, sưng, nóng, đau, mụn mủ ngứa.
Sài đất là một trong các vị thuốc trong bài thuốc Thang tiêu độc
2.2 Bài thuốc theo 'Thuốc nam châm cứu của Bộ Y tế'
Thành phần: Kinh giới 16g, kim ngân hoa 12g, huyền sâm 12g, sinh địa 12g, bạc hà 8g, cỏ mực 8g, xạ can (rẻ quạt) 4g, tang bạch bì 8g.
Cách dùng: Sắc uống.
Công dụng: Sơ phong, thanh nhiệt; có tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt, ho, đau họng, rát họng, họng sưng đỏ.
Mời bạn xem tiếp video:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS