Hà Nội

Thuốc Nam phòng trị bệnh mùa mưa lũ

SKĐS - Hàng năm cứ vào mùa mưa bão, nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung rất vất vả với việc phải chống đỡ với nạn sạt lở đất, lũ quét, ngập úng... Kèm theo đó là hàng loạt các chứng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thuốc cổ truyền ở tuyến cơ sở, nhất là các vị thuốc sẵn có trong vườn nhà hay địa phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phòng và trị các chứng bệnh này.

Cảm lạnh còn gọi là cảm mạo phong hàn

Bài thuốc phòng ngừa: 1 củ gừng tươi khoảng 15-20g, rửa sạch, thái mỏng, thêm 100ml nước, đun sôi 20 phút. Gạn ra, uống nóng. Có thể thêm ít đường cho dễ uống. Tùy theo số người cần uống, có thể tăng lượng gừng lên. Trẻ em uống lượng thích hợp tùy theo tuổi.

Khi đã mắc cảm mạo phong hàn, biểu hiện người phát sốt, lạnh, thậm chí rét nhiều, đau đầu, ngạt mũi, ho...: Trước hết nấu nồi lá xông, gồm các loại lá chứa tinh dầu như hương nhu, lá sả. Sau khi xông cho ra mồ hôi, uống một bát nước lá xông, lau khô mồ hôi, nằm nghỉ nơi không có gió lùa. Để loại tiếp nguyên nhân cảm lạnh và phục hồi tân dịch, cho người bệnh ăn bát cháo nóng có hành tươi và lá tía tô.

Mưa lũ khiến môi trường bị ô nhiễm, kéo theo phát sinh nhiều bệnh tật ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân.

Mưa lũ khiến môi trường bị ô nhiễm, kéo theo phát sinh nhiều bệnh tật ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân.

Với những người bệnh nặng hơn, kèm theo các triệu chứng rét nhiều, đau đầu dữ dội, ho nhiều, đờm nhiều…: Ngoài cách xông hơi, dùng bài thuốc sau: kinh giới hoặc kinh giới tuệ (ngọn mang hoa), tô diệp, bạc hà, mỗi vị 12g; quế chi 8g; cúc hoa, cam thảo dây, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1 giờ.

Nếu người bệnh kèm theo đau mình mẩy, đau cơ nhục nhiều: Quế chi, bạch thược, đại táo, mỗi vị 12g; cam thảo, sinh khương, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1 giờ. Uống nhiều thang cho đến khi hết các triệu chứng.

Khi các triệu chứng cảm mạo đã hết, song vẫn còn ho và đờm nhiều, cơ thể mệt mỏi, kèm theo khó thở, dùng bài: mạch môn, sinh địa, mỗi vị 8g; huyền sâm, cát cánh, đương quy, bạch thược, mỗi vị 6g; thục địa 12g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, sau bữa ăn 1giờ 30 phút. Uống nhiều thang cho đến khi hết các triệu chứng.

Bệnh đường tiêu hóa

Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy: hoắc hương, tía tô, mỗi vị 12g; vỏ quýt khô, bạc hà, gừng tươi, cam thảo dây, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, trước bữa ăn.

Hoặc hoắc hương, đại phúc bì, trần bì, thương truật, hậu phác, bạch chỉ, bạch linh, bán hạ chế, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 8g. Tất cả nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống 10-12g với nước ấm, ngày uống 2-3 lần. Có thể uống tới khi hết các triệu chứng.

Đau bụng, tiêu chảy ra máu: lá mơ tam thể, cỏ sữa, rau sam, cọ nhọ nồi, mỗi vị 12g; xuyên tâm liên 8g. Sắc uống trước bữa ăn, ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Đau bụng, sôi bụng, phân nát, kém ăn: hậu phác, trần bì, mỗi vị 20g; thương truật 32g, cam thảo 12g. Hậu phác rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bần, thái mỏng, chích nước gừng, trần bì thái chỉ, vi sao. Thương truật rửa sạch, thái mỏng, vi sao. Tất cả đem tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày 3 lần uống trước bữa ăn 1 giờ, uống với nước sôi để nguội. Uống liền 3-4 tuần, đến khi hết các triệu chứng.

Xông hơi và rửa mắt bằng nước lá trầu không trị đau mắt do nguồn nước bị ô nhiễm trong mùa mưa bão.

Xông hơi và rửa mắt bằng nước lá trầu không trị đau mắt do nguồn nước bị ô nhiễm trong mùa mưa bão.

Đau mắt

Do nguồn nước bị ô nhiễm, đau mắt cũng là bệnh rấy hay gặp ở vùng lũ, lụt. Trước hết dùng phương pháp xông hơi và rửa mắt bằng các lá tươi: lá trầu không 3-5 lá cắt nhỏ; bạc hà, lá tre, mỗi thứ 100g; cúc hoa 6g. Tất cả cho vào nồi, đổ nước đun sôi 5 phút, xông mắt bị đau, để nguội, dùng khăn mềm thấm nước xông, lau rửa mắt nhẹ nhàng. Ngày làm 1-2 lần.

Ngoài xông mắt, kết hợp dùng bài thuốc: cúc hoa, kỷ tử, mỗi vị 4g; thảo quyết minh (sao đen), bạch tật lê (sao cháy cạnh); bạch thược, đương quy, mẫu đơn bì (cả 3 vị chích rượu); hoài sơn, phục linh, trạch tả (cả 3 vị chích muối ăn), mỗi vị 6g; sơn thù du 8g, thục địa 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 2-3 tuần lễ, đến hết các triệu chứng.

Nước ăn chân

Mưa lũ, bà con phải lội nước nhiều, nước lại ô nhiễm nên chân, đặc biệt là kẽ chân bị ngứa, lở loét. Trước hết, rửa sạch chân bằng nước đun sôi để nguội, thêm chút muối ăn, lau khô. Dùng lá rau sam tươi, vò nát, xát vào chỗ bị bệnh. Ngày làm nhiều lần. Có thể ngâm rửa bằng nước sắc xuyên tâm liên, hoặc vỏ núc nác (ngâm chân khi nước còn ấm), lau khô. Chấm bột mịn của hỗn hợp bột hoàng liên hay hoàng đằng với bột phèn phi và hàn the, đồng lượng.

Đau xương khớp, cơ nhục

Mưa lũ, gió lạnh khiến xương khớp, cơ nhục bị đau, nhất là ở những người đã có tiền sử mạn tính. Trước hết, dùng một số lá thuốc tươi: ngải cứu, cúc tần, lá lốt, bưởi bung... thêm rượu, hoặc giấm... để chườm nóng vào nơi sưng đau. Đồng thời dùng bài thuốc: rễ cỏ xước, rễ mò đỏ (hoặc mò trắng), hy thiêm, cành cây dâu, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều thang, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.


GS. TS. Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn