Thuốc nam chữa một số bệnh thường gặp

SKĐS - Một số bệnh thông thường mà chúng ta thường có nguy cơ mắc phải như cảm sốt, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, đau khớp… Với những bệnh này có thể sử dụng một số bài thuốc nam để chữa...

1. Thuốc nam chữa cảm sốt

Bài 1- Thành phần gồm: Lá tre: 20g; cúc tần 20g; kinh giới: 20g; bạc hà: 20g; tía tô: 20g; cát căn 20g; cúc hoa 5g; địa liền 5g.

Cách dùng: Các vị trên rửa sạch, cắt thành đoạn ngắn, sấy khô, sao vàng, trộn đều chia thành 10 gói. Mỗi ngày dùng một gói hãm với nước sôi, chia uống trong ngày.

photo-1648896123502

Hy thiêm thảo chữa đau nhức cơ xương khớp

Bài 2- Thành phần: Kinh giới 20g; cối xay 20g; bạc hà 10g; tía tô 20g; lá tre 20g.

Cách dùng: Các vị trên rửa sạch, cắt thành đoạn, sấy khô (không sấy quá 60°c). Trộn đều chia thành mỗi gói 10g, hãm với nước sôi, uống trong ngày.

2. Chữa đau nhức cơ, khớp xương

Thành phần: Hy thiêm thảo, thổ phục linh, ngưu tất. Mỗi vị 20g, lá lốt 10g.

Cách dùng: Cắt nhỏ dược liệu, sấy khô, tán riêng từng thứ thành bột mịn, rây qua rây lại, trộn đều các bột, dùng hồ bột nếp làm thành viên hoàn. Dùng bột hoài sơn bao ngoài làm áo, hoàn viên. Sấy khô, uống 10 -15g mỗi lần. Ngày uống 3 lần.

3. Chữa tiêu độc, mụn nhọt

Thành phần: Bồ công anh 15g; sài đất 10g; kim ngân 5g; ké đầu ngựa 2g; cam thảo đất 2g.

Cách dùng: Các vị trên rửa sạch. Cắt nhỏ dược liệu, sấy khô giòn, trộn đều, bảo quản dùng dần. Hãm với 500ml nước sôi, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

photo-1648896127266

Bồ công anh, vị thuốc có nhiều tác dụng cho cơ thể

4. Chữa tiêu chảy

Thành phần: Hoắc hương 15g; búp ổi 15g; trần bì 10g.

Cách dùng: Các vị trên rửa sạch, thái đoạn ngắn, phơi cho khô giòn. Tán riêng từng thứ thành bột mịn rồi trộn đều, chia mỗi gói 5guống mỗi ngày ba lần, mỗi lần 1 gói.

5. Chữa hội chứng lỵ

Thành phần: Cỏ nhọ nồi 10g; rau sam 10g; cỏ sữa lá nhỏ 10g.

Cách dùng: Làm sạch dược liệu, cắt đoạn ngắn, sấy cho khô, giòn. tán riêng từng thứ thành bột mịn, trộn đều, chia mỗi gói 15g. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 gói.

6. Chữa rối loạn tiêu hóa kéo dài ở trẻ em

Thành phần: Ý dĩ 100g; hoài sơn 100g; liên nhục 100g; đảng sâm 100g; bạch biển đậu 100g; sa nhân 20g; trần bì: 20g; mạch nha 30g.

Cách dùng: Các vị thuốc thái nhỏ, phơi khô, sao vàng. Trộn lẫn các dược liệu rồi xay nhỏ, rây lấy bột mịn. Ngày dùng 12 – 16g, chia làm hai lần.

7. Chữa hoviêm họng

Thành phần: Bách bộ bỏ lõi, sao vàng: 10g; mạch môn bỏ lỏi 10g; vỏ rễ dâu 5g; xạ can 5g; cam thảo dây 5g.

Cách dùng: Làm sạch dược liệu, thái mỏng, sấy khô trộn đều, đổ ngập nước, nấu thành 150ml cao lỏng, thêm 50g đường, đun sôi, đóng lọ kín, dùng uống mỗi lần 15ml. Ngày uống 2 - 3 lần (trẻ em mỗi lần 5ml).

8. Chữa nhiễm khuẩn ngoại khoa

Thành phần: Lá bạch đồng nữ 150g.

Cách dùng: Nước sắc lá bạch đồng nữ tẩm vào gạc vô trùng đắp lên vết thương nông hoặc nhỏ liên tục 1 – 2 lần/ ngày trên vết thương sâu. Điều trị vết thương mau hết mủ, không gây sốt, chống phù nề.

Mời bạn xem thêm video:

Động tác đơn giản thực hiện ngay tại nơi làm việc giúp hạn chế cơn đau cổ vai gáy



DS Đỗ Bảo
Ý kiến của bạn