Thuốc Nam chữa đau khớp

SKĐS - Ðau khớp là một thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý về khớp nói chung, trong đó nổi bật là biểu hiện của chứng đau ở các mức độ và tính chất khác nhau.

Trong y học cổ truyền, đau khớp thuộc các chứng như: phong thấp, tý chứng, thống tý... và được chữa trị bằng nhiều phương pháp phong phú, trong đó có việc lựa chọn và sử dụng các vị thuốc Nam dễ tìm, dễ kiếm. Dưới đây là một số bài thuốc theo từng thể bệnh.

Với đau khớp nói chung: Củ dứa dại 20g, cà gai leo 20g (hoặc cà gai hoa tím 40g), cỏ xước 40g, lá lốt 20g, bồ công anh 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Với trường hợp đau khớp có sưng đỏ: Dùng lá tre tươi 40g, lá tía tô tươi 40g, mía 2 lóng chẻ nhỏ, sắc với 2 lít nước lấy 1 lít, uống thay nước trong ngày, hạn chế thức ăn xào rán. Kết hợp dùng nước tiểu trẻ em 3 lít, lá ngải cứu tươi 100g thái nhỏ, lá cúc tần tươi 100g, lá long não 100g, tất cả đem đun sôi, dùng chăn trùm kín để xông, trong và sau khi xông tránh gió lùa.

Với đau nhức ống xương: Dùng lá chó đẻ răng cưa 40g, vỏ cây gạo 20g, vẩy con tê tê tán bột 10g, bồ hóng bếp rây mịn 0,5g, tất cả sắc uống, mỗi lần 100 ml, ngày uống 3 lần.

Với trường hợp gân xương yếu hoặc bong gân: Gân bò 50g, tục đoạn và đỗ trọng mỗi thứ 15g, kê huyết đằng 50g, sắc lấy nước uống, ăn gân bò.

Với trường hợp đau nhức khớp cấp tính: Quế chi 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, xuyên khung 9g, hổ trượng 9g, phòng phong 12g, mộc qua 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 12g, dâm dương hoắc 12g, sắc uống.

Thuốc Nam chữa đau khớpĐau nhức khớp có nhiều tính chất và mức độ khác nhau.

Với chứng phong hàn thấp tý lưng gối đau nhức, khớp không trơn: Ngưu tất khô cả cành và lá 20g, cam thảo lượng vừa phải, hai thứ sắc kỹ lấy nước bỏ bã, cho gạo vào ninh thành cháo, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn nóng, 10 ngày là một liệu trình.

Với chứng nhiệt tý, các khớp sưng, nóng, đỏ, đau: Cành dâu 30g, dây kim ngân 30g, liên kiều 15g, hải đồng bì 12g, phòng phong 12g, thổ phục linh 12g, sinh địa 12g, cam thảo 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Với trường hợp đau cột sống cổ lan xuống vai tay và lên đỉnh đầu: Cát căn 9g, đương quy 9g, ma hoàng 9g, quế chi 9g, kê huyết đằng 30g, sắc uống.

Với chứng đau khớp trầm trọng, biến dạng, vận động khó khăn: Dùng uy linh tiên 100g, sấy khô, tán bột, luyện mật làm thành viên, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lầm 10g.

Với viêm khớp biến dạng: Ngũ gia bì 100g, gạo nếp nửa cân hoặc một cân, ngũ gia bì rửa sạch, sắc kỹ 2 lần, bỏ bã lấy nước, đổ gạo nếp vào nấu thành cơm nếp, để nguội, trộn đều với men rượu thành rượu cái, mỗi ngày ăn vài lần, lượng tùy thích. Hoặc dùng hổ trượng căn 60g, cốt khí củ 60g, đem ngâm rượu 500 ml trong 2 ngày, sau đó chưng cách thủy 30 phút, bỏ bã, lấy nước, uống mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20-30 ml, cách 5-10 ngày lại uống liệu trình thứ 2, rồi thứ 3...

Với thấp khớp mạn tính: Lấy ớt lượng vừa đủ ngâm rượu uống. Hoặc dùng ý dĩ 50g, can khương 9g, hai thứ ninh nhừ như cháo rồi trộn với 50g đường trắng, ăn trong ngày, liệu trình 1 tháng. Hoặc dùng tam thất bột 6g, hồng hoa 3g, uy linh tiên 9g, tử tô căn 6g, tất cả đem ngâm rượu trong 3 tuần, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Hoặc lấy ớt đỏ nhọn khô 25 quả, hoa tiêu 30g, sắc kỹ hoa tiêu với 3 lít nước trong 30 phút, sau đó cho ớt vào nấu mềm, vớt ớt ra, rạch dọc, bỏ hột rồi dán vào chỗ đau, dán 3 lớp, đắp nước sắc hoa tiêu xông nóng độ nửa giờ, mỗi chiều đắp 1 lần, liên tục trong 1 tuần.


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn