Các nhà khoa học của trường Đại học bang Ohio, Mỹ đã phát hiện ra cách kích hoạt phản ứng phòng ngừa cúm mà không cần sử dụng bất kì loại vắc-xin nào.
Nó liên quan đến việc sử dụng một loại protein có tên gọi IFITM3, thường được sản sinh ra rất nhiều sau khi một người bị cảm cúm. Cơ chế hoạt động của IFITM3 là bẫy virus và ngăn không cho chúng phát triển.
Các nhà khoa học cho biết loại protein này có thể được chế thành thuốc. Những người có nguy cơ mắc cảm cúm cao như người già và phụ nữ mang thai có thể sử dụng loại thuốc này để tăng sức đề kháng, ngăn cản sự xâm nhập của virus.
Bác sĩ Jocob Yount, trợ lý giáo sư về nhiễm khuẩn và miễn dịch tại bang Ohio cho biết:” Người ta phải thay đổi vắc-xin phòng cúm hằng năm vì virus biến đổi không ngừng. Những nghiên cứu chúng tôi đang tiến hành hướng đến mục tiêu căn bản là tạo ra một loại vắc-xin dùng chung cho tất cả các loại virus cúm.”
Sau khi nghiên cứu trên các tế bào của cả chuột và người, các nhà khoa học nhận thấy quá trình sản sinh ra protein không chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm cúm mà còn ngăn chặn hoàn toàn việc nhiễm virus.
Họ bắt đầu sử dụng loại thuốc thử nghiệm để thực hiện chiến lược phòng chống cảm cúm ở chuột. Nhóm làm việc của bác sĩ Yount cho biết phải mất nhiều năm thử nghiệm nữa họ mới dám khẳng định con người có thể sử dụng loại thuốc này hay không.
Ông Yount nói thêm:” Sau đợt bùng phát một số đại dịch cúm năm 2009, chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp những người có sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm virus. Loại thuốc này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi được sử dụng trước khi bị nhiễm virus nhờ cơ chế ngăn chặn các tế bào nhiễm virus ngay từ đầu.”
Hương Liên (Theo Telegraph)