Ở nhiều địa phương, dù đã có lệnh cấm nhưng vẫn còn nhiều tiểu thương lén lút bán thuốc Tây, thuốc Nam trong các phiên chợ. Khi người có trách nhiệm đến, họ bê mẹt thuốc chạy biến. Chỉ cần lực lượng chức năng đi khuất là hàng thuốc lẫn với hàng tươi sống, cùng mời chào người đến chợ.
Thuốc nam bày bán lẫn với các hàng hóa khác tại chợ Phương Lâm (TPHB).
Các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới. Thế nhưng, những “quầy thuốc di động” vẫn xuất hiện tại nhiều chợ, ngay cả ở thành phố Hòa Bình. Có lần đi chợ Tân Lập, xã Dân Chủ, tôi và một người bạn bị một người đàn bà đứng tuổi với chất giọng miền Nam săn đón vào bắt mạch miễn phí. Bà này nói, tôi bị nóng trong, còn bạn tôi bị suy nhược cơ thể?! Vừa phán xong, bà ra hiệu cho một người đàn ông ngồi trên xe máy ngay đằng sau bốc thuốc Nam đựng trong 2 bao tải ra. Điều lạ là kết quả phán khác nhau nhưng thuốc bốc lại giống nhau. Khi chúng tôi nói không muốn mua thuốc, người này tỏ ý bực mình.
Một thực tế khác đang tồn tại ở các làng quê là những quán bán tạp hóa kiêm... bán thuốc Tây. Thuốc Tây để trong cái rổ nhựa, lẫn với những gói mì tôm, nhang muỗi... Khách đến mua, nói bệnh, chủ quán cầm vỉ này lên cắt vài viên, cầm vỉ kia lên cắt vài viên, sau đó chia liều và ra toa bằng miệng: Ngày uống 3 lần.
Một lần đi công tác về một vùng quê hẻo lánh, tôi hỏi dân địa phương ở đây có chỗ nào bán thuốc Tây không, họ chỉ vào một cái quán tuềnh toàng bán đủ thứ đồ lặt vặt. Một thanh niên nói với theo: Quán đó bán thuốc theo kiểu “đau đầu viên xanh viên đỏ, đau bụng viên đỏ viên xanh”, “đau lưng viên to viên nhỏ, xây xẩm viên nhỏ viên to”. Cách nói của anh thanh niên kia như ngầm bảo với tôi rằng: “Thuốc ở đó mà mua chữa bệnh, uống có ra sao thì ráng chịu”. Tất nhiên, chủ quán chắc chắn sẽ không biết tí gì về dược học nên người bệnh uống thuốc mua ở những chỗ như thế này là rất...phiêu lưu.
Còn tại nhiều chợ ở vùng huyện, nhất là các chợ phiên, tình trạng “quầy thuốc đa không” đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến (không giấy phép, không tủ bảo quản, không niêm yết giá, không bán theo đơn, không bằng cấp, không địa điểm cố định)... Tại chợ ở xã Tự Do (Lạc Sơn, Hoà Bình), chúng tôi bắt gặp cảnh thuốc Tây đựng trong các túi nilon đen, xanh được bày bán trên tấm bạt nhựa. Người bán nghe người dân kể bệnh rồi bán thuốc như dược sĩ chuyên nghiệp.
Bà Lê Thị Thanh Hòa, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y - dược tư nhân (Sở Y tế Hòa Bình) cho biết: Phòng không có chức năng xử phạt mà phải phối hợp với Thanh tra. Cả 2 phòng có 4 người đi kiểm tra địa bàn không xuể. Lần đầu đến, đoàn còn bắt quả tang được đối tượng, tịch thu hàng. Các lần tiếp theo, biết mặt, hễ thoáng thấy bóng người trong đoàn là họ cuốn thuốc lại rồi bỏ chạy. Lực lượng mỏng nên chưa kiểm tra được tại tất cả các chợ.
Thuốc là hàng hóa đặc biệt, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không thể bày bán như mớ rau, con cá. Nếu không được bảo quản đúng, ánh nắng chiếu trực tiếp vào, thuốc Tây có thể thay đổi hoạt chất, khi uống gây hại cho cơ thể. Đó là chưa kể thuốc trôi nổi, chưa được kiểm định có thể là thuốc giả, kém chất lượng. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế Hòa Bình đã gửi văn bản đến Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp giải quyết. Trong đó, đề cao vai trò của ban quản lý các chợ trong việc kiên quyết không cho các cơ sở được bán thuốc rong tại chợ. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen mua thuốc dễ dãi, tránh tiền mất, tật mang, bệnh nặng thêm.
Cẩm Lệ - hòa Vang