Những phát hiện của ngành khảo cổ học và cổ sinh vật học đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, khi nhiều hiện vật cổ được khai thác, cho thấy con người thời tiền sử đã biết dùng phẫu thuật để chữa trị một số bệnh tật hoặc một số vết thương gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Vậy, con người đã biết dùng thuốc gây mê, giảm đau từ khi nào?
Có hay không thuốc giảm đau khi phẫu thuật thời xưa?
Năm 1996, tại khu vực Ensishein ở Alsace (Pháp) đã tìm thấy một hài cốt, cách đây khoảng 7.000 năm, trong hộp sọ có dấu vết mở với hai lần khoan vuông vắn, có các cạnh 6cm và 9cm. Qua khảo sát, các nhà khảo cổ kết luận người này vẫn tiếp tục sống sau hai cuộc phẫu thuật. Tại Pháp, trong vòng hơn chục năm qua, sau khi khai quật đã tìm thấy trên 250 hộp sọ có dấu khoan thủng. Qua phân tích các hiện vật, các nhà khoa học đều có nhận định ít nhất 50% trường hợp người sau khi phẫu thuật vẫn có cuộc sống bình thường. Đặc biệt, khi khai quật tại vùng Jhanidar (Iraq) một hài cốt của người Neandertal (có quan hệ mật thiết với người đương đại) sống cách đây ít nhất 50.000 năm đã tìm thấy dấu vết của việc băng bó nối chỗ xương gãy ở cánh tay. Việc cứu chữa các nạn nhân do bị bệnh, do bị thương trong lao động kiếm sống, trong chiến đấu với các thú dữ, kẻ thù... là chuyện xảy ra hằng ngày. Nhưng người xưa đã dùng thuốc gì để làm giảm đau đớn hay chỉ cắn răng chịu đựng? Trong truyện Tam Quốc, có truyện Quan Công khi đánh Phán Thành bị trúng tên thuốc độc ở cánh tay, phải nhờ thầy thuốc Hoa Đà mổ vào tới xương để nạo chất độc. Khi Hoa Đà cầm dao rạch, nhận thấy xương đã chuyển sang màu xanh, nên Hoa Đà phải cạo bỏ, tiếng kêu ken két, ai cũng ghê sợ nhưng Quan Công vẫn ung dung uống rượu, đánh cờ để Hoa Đà yên tâm chữa trị. Có tài liệu nói Hoa Đà, danh y nổi tiếng thời đó đã chế tạo được loại thuốc "Ma phí tán" hòa với rượu, uống làm bệnh nhân ngủ say như chết, tiện cho phẫu thuật. Loại bột này còn gọi là ma phí (ma phế) thang gồm một số dược liệu: thảo ô, đương quy, nam tinh, hoa mandala... Cũng vì loại bột này đã gây tai họa, kết thúc cuộc đời của Hoa Đà.
Tào Tháo, thừa tướng nhà Hán bị nhức đầu dữ dội, các quan tiến cử Hoa Đà. Sau khi coi bệnh, Hoa Đà nói: Bệnh này, cần phải uống thang ma phế sau đó lấy búa bổ óc, nạo hết gió độc thì bệnh mới khỏi. Tào Tháo không tin chuyện mổ sọ, nghi Hoa Đà có âm mưu hãm hại mình, nên sai nhốt Hoa Đà trong ngục 10 ngày, sau đó Hoa Đà chết, dẫn đến bệnh Tào Tháo mỗi ngày thêm nặng, cuối cùng cũng chết.
Sự ra đời của một số thuốc mê
Thuốc phiện: Mãi đến thế kỷ 16, nhà phẫu thuật lỗi lạc Ambroise Paré mới đề xuất việc dùng thuốc phiện hòa trong rượu mạnh để làm giảm bớt nỗi đau của bệnh nhân.
Khí protoxyd nitơ: khí cười
Trong quá trình phân lập ôxy, năm 1789, John Prietley thu được loại khí protoxyd nitơ. Sau đó, vào năm 1794, Humphrey Davy nhận thấy khí này có tính năng làm giảm bớt những cơn đau răng, nên đưa ra ý kiến dùng khí này trong phẫu thuật để đỡ đau khổ cho người bị mổ, nhưng do cương vị và tuổi (Davy 16 tuổi) nên ý kiến trên không được quan tâm và chìm vào quên lãng ở châu Âu... Mãi đến tháng 10/1844, tình cờ một nha sĩ tên là Horace Wello ở bang Connecticut (Mỹ), vô tình hít phải khí này, làm ông cười sặc sụa và sau đó ông nhờ một người bạn nhổ một chiếc răng và thấy nhẹ nhàng, không cảm thấy đau chút nào. Ngạc nhiên ông tiếp tục thí nghiệm này với nhiều bệnh nhân và đạt hiệu quả. Lập tức ông giới thiệu phương pháp này với các đồng nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa thật sự làm chủ kỹ thuật nên bệnh nhân thí nghiệm tỉnh và kêu đau ầm ĩ khiến Wells thất bại và bị la ó. Nhưng một nha sĩ khác chứng kiến việc làm trên, rút ra nhận xét là do liều lượng khí protoxyd nitơ mà Wells dùng chưa hợp lý nên sau này khí trên vẫn được dùng trong phẫu thuật.
Ête mê
Năm 1818, Michacl Faraday (1791 - 1867), người Anh, nhà vật lý nổi tiếng đã nhận ra hiệu ứng gây mê của ête. Sau đó, bác sĩ Henry Hill Hickman, gây mê chất này cho một số con vật và đầu năm 1824, ông báo cáo công trình này lên Hội Y học Anh và cả Viện Hàn lâm y học Pháp nhưng không được sự chú ý. Mãi đến khi được sự khuyên nhủ của một người bạn, nhà phẫu thuật danh tiếng J.C.Warren ở Boston (Mỹ) mới thực hiện ca mổ đầu tiên được gây mê toàn thân nhờ bình cầu xông khí do ông chế tạo. Thành công rực rỡ, do đó Warren đã phổ biến phương pháp này cho toàn thế giới. Tuy vậy, ête có nhược điểm là dễ gây hỏa hoạn và viêm phổi, có khi dẫn đến tử vong nên được thay bằng chất khác. Đến năm 1908, nhờ Ombredanne hoàn chỉnh máy gây mê (mang tên thiết bị gây mê Ombredanne), cho phép kiểm soát chặt chẽ quá trình gây mê, có thể điều chỉnh khí ête theo nhu cầu suốt thời gian phẫu thuật và nhờ có hệ thống van nên khí thải được thoát ra ngoài dễ dàng, giảm được tai biến. Ở Việt Nam, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Đàn (sau này là giáo sư, Thứ trưởng Bộ Y tế) đã chế tạo được ête mê, cung cấp cho quân y để làm giảm nỗi đau đớn của thương binh khi phải phẫu thuật.
Chloroform
Do nhược điểm của ête, nên các thầy thuốc đã tìm đến chloroform. Chất này có khả năng gây mê và người phát hiện ra tác dụng này là Pierre Flourens (Pháp) được giáo sư sản khoa J.Y Simpson áp dụng từ năm 1847 nhằm làm giảm bớt đau đớn cho các sản phụ. Và đến tháng 4/1853, bác sĩ John Snow đã dùng cách này khi Nữ hoàng Anh Victoria lâm bồn. Do đó, chloroform được dùng khá phổ biến trong phẫu thuật nhưng chất này cũng độc hại nên sau này không dùng. Có tài liệu nói, năm 1941 khi quân Nhật tấn công Trân Châu cảng, số lính Mỹ chết vì bị gây mê không đúng liều lượng nhiều hơn số chết vì bom đạn.
Thiopenta natri (biệt dược: Penthotae)
Charles Gabriel Patraz (Pháp) đã hoàn chỉnh phương pháp gây mê đường tĩnh mạch thay cho các phương pháp ngửi các khí trên từ giữa thế kỷ 19. Nhưng phải đến gần giữa thế kỷ 20 phương pháp này mới áp dụng rộng rãi với sản phẩm thiopental (muối natri). Đó là dẫn chất barbituric, gây mê đường tĩnh mạch, tác dụng xuất hiện sớm và mạnh, thải trừ nhanh nên thích hợp cho các phẫu thuật ngắn: với trẻ em còn dùng gây mê bằng cách đưa thuốc vào trực tràng (thụt hậu môn). Thuốc này ra đời năm 1934. Thiopental còn được dùng trong việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc để làm giảm nhẹ sự đau đớn của tội nhân. Tháng 2/1949 đã xảy ra vụ án nổi tiếng, sau được đặt tên là vụ Penthotal. Chuyện xảy ra tại tòa hành sự ở Seine (Pháp). Tù nhân RaymondCens bị khởi tố vì đã hợp tác với Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 - 1945). Do Cens bị bệnh liệt nửa người và không nói trong lúc ở trại giam. Các thầy thuốc đã tiêm cho Cens thuốc penthotal nhằm giúp ông ta cử động được các chi bị liệt. Ai ngờ, dưới tác động của thuốc Cens đã buột miệng nói tất cả những tội lỗi của mình đã từng gây ra và các bác sĩ đã tường thuật đầy đủ những chuyện đó để giúp cho viên dự thẩm nắm được mọi tình tiết cần thiết mà không cần thẩm vấn, tiện cho việc kết án. Ai ngờ Cens kiện lại vì cho là các bác sĩ đã vi phạm lời thề y học là phải giữ kín những gì mà người bệnh đã nói với họ và những điều mà đương sự nói ra khi tinh thần không còn tỉnh táo là điều không thể chấp nhận được.
Sự hoàn thiện phương pháp gây mê
Với việc cùng sử dụng các thuốc tiền mê (diaszepam, halothcin, morphin), các thuốc gây thư giãn cơ (alaronium, gallamin, panceronium, suxamethonium...) đã giúp cho việc phẫu thuật được thuận lợi. Tất nhiên cũng xuất hiện một số thuốc gây mê mới như serofluran propofol, remifentamil... (thuốc gây mê do không tích tụ và thải trừ sớm nên chỉ khoảng 10 phút sau khi phẫu thuật, kể cả mổ não bệnh nhân đã hồi tỉnh).
Song song với các thuốc mê là sự ra đời các thuốc tê dùng trong các phẫu thuật không cần thiết phải gây mê đã giúp cho con người khi phải chịu cảnh mổ xẻ, giảm được nỗi đau đớn về thể xác. Bên cạnh đó, các thuốc mê như ête, chloroform và cả protoxyd nitơ cũng không có tên trong 20 thuốc không gây tê, mê trong Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại bệnh viện của Việt Nam.
Phạm Tiếp