Thuốc làm giảm tác hại do trào ngược dạ dày thực quản

27-06-2013 08:25 | Dược
google news

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp. Bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp. Bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc điều trị bệnh thường mất nhiều thời gian, với mục tiêu là làm mất triệu chứng, chữa lành tình trạng viêm và ngăn ngừa biến chứng. Do đó cho đến nay có rất nhiều thuốc được đưa vào sử dụng để điều trị, trong đó có thuốc làm giảm tác hại của bệnh lên dạ dày thực quản.

Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản:

Alginat: Thuốc có chứa thành phần acid alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày. Liều sử dụng 2 thìa cà phê sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

Dimeticol (gel polysilan) là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.

Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Sucralfat dạng viên nén 1g, uống trước bữa ăn và lúc đi ngủ. Không dùng thuốc antacid hoặc kháng histamin H2 nửa giờ trước hoặc sau khi uống sucralfat.

Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (maalox, phosphalugel...), thuốc kháng thụ thể H2  (như cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol) tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Hiện nay, việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2. Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Người bị trào ngược dạ dày thực quản mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên chia khẩu phần ăn làm nhiều bữa, 4 - 5 bữa mỗi ngày, không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô, sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư thế cúi ra phía trước... Không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như estrogen, progesteron, anticholinergic, barbituric, ức chế calci, diazepam, theophylin. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.

ThS. Bạch Đằng


Ý kiến của bạn