Từ lâu ngành y đã phát hiện thấy, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn, nhưng cơ chế cụ thể gây bệnh vẫn chưa rõ. Nghiên cứu mới của KHU thì cơ chế này đã và đang lộ dần, cung cấp cái nhìn tổng quan tốt hơn về tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Trong nghiên cứu, KHU đã tiến hành kiểm tra tác động của khói thuốc lá trên loài chuột, cho chúng tiếp xúc với khói thuốc tương đương 20 điếu thuốc/ngày, sáu ngày một tuần, trong vài tuần, sau đó đánh giá mức độ viêm phổi và ruột của chuột sau khi phơi nhiễm khói thuốc.
"Đường thở và hệ thống đường ruột có rất nhiều điểm chung. Bởi vậy trong y học cổ truyền của Hàn Quốc, mối liên quan giữa phổi và ruột già đã được con người quan tâm đặc biệt. Bệnh Crohn có nhiều khả năng xảy ra ở những người có bệnh về đường hô hấp, do vậy viêm phổi có liên quan đến chứng viêm ruột", Giáo sư Hyunsu Bae, chủ nhiệm đề tài ở KHU cho hay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những con chuột tiếp xúc với khói thuốc lá đã phát triển bệnh viêm phổi với tỷ lệ cao hơn so với nhóm chuột được tiếp xúc với không khí trong lành. Nhóm chuột bị ảnh hưởng đã phát triển bệnh viêm đại tràng tương tự như bệnh Crohn. Ngoài ra, nhóm chuột tiếp xúc với khói thuốc lá còn có mức tăng nhầy và viêm nhiễm trong hệ thống ruột kết, trong phân của chúng còn có cả máu, điều này cho thấy mức độ viêm nhiễm do khói thuốc gây ra không hề nhỏ. Đặc biệt, nhóm chuột tiếp xúc với khói thuốc lá còn bài tiết ra một loại protein tiền viêm có tên interferon-gamma rất cao.
Thử nghiệm trên những con chuột có lượng tế bào máu trắng thấp là những con vật không bị viêm đại tràng sau khi tiếp xúc với khói thuốc lá. Điều này có thể kết luận, tế bào máu trắng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng sau khi tiếp xúc với thuốc lá. "Kết quả nghiên cứu cùng cố thêm giả thiết khói thuốc lá kích hoạt tế bào máu trắng (hay tế bào bạch huyết) trong phổi, sau đó chúng di chuyển đến ruột kết, gây viêm đại tràng. Người hút thuốc lá, đặc biệt là những người bị bệnh đường ruột nên giảm bớt hút thuốc lá", đồng tác giả, giáo sư Jinju Kim nhận định.
Một nghiên cứu khác công bố năm 2016 cũng cho thấy, hút thuốc không chỉ làm cho bệnh Crohn thêm trầm trọng mà còn làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Kết luận này dựa trên nhiên cứu ở 573 bệnh nhân, chia thành bốn nhóm: Nhóm không hút thuốc, nhóm hút thuốc nay đã bỏ, nhóm hiện đang hút thuốc và những người vừa bỏ thuốc. Nghiên cứu phát hiện thấy những người hút thuốc liên tục thì nguy cơ tái phát bệnh Crohn nhanh hơn, sớm hơn và cao hơn những người không hút thuốc. Tương tự, những người đã từng hút thuốc trước đây và nhóm mới bỏ thuốc lại có tỷ lệ tái phát tương tự như những người không hút thuốc. Đáng tiếc những người mắc bệnh Crohn vẫn không ý thức về mối nguy hiểm này. Ngay cả khi đã có nhận thức, thì rất ít người hút thuốc mắc bệnh Crohn được tư vấn cách bỏ thuốc lá và điều trị bệnh.
Crohn (CD) là bệnh viêm đường ruột, viêm màng đường tiêu hóa có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và suy dinh dưỡng trầm trọng. Đây cũng là căn bệnh gây loét đường tiêu hóa từ miệng cho tới hậu môn. Viêm nhiễm do Crohn thường lan truyền sâu vào các lớp mô ruột nên gây đau đớn, suy nhược cơ thể và biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.