Tại buổi tọa đàm Sự tham gia của cộng đồng trong Phòng chống tác hại của thuốc lá, ThS. Lê Thị Thu – Tổ chức HealthBrige Canada tại Việt Nam cho biết, thuốc lá là nguyên nhân gây ra trên 40.000 trường hợp tử vong mỗi năm ở Việt Nam; đồng thời là yếu tố làm gia tăng nghèo đói ở cấp quốc gia và hộ gia đình do tổn thất về kinh tế và chi phí điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá.
Chính sách thuế và giá là một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá đã được Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới khuyến cáo cho các quốc gia.
“Giá thuốc lá cao sẽ tạo động lực giúp những người hút bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ và giúp giảm số lượng những người mới hút, đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo. Mặc dù vậy, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện còn đang rất thấp”- ThS. Thu nói.
Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và bị giảm thiểu do sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Theo báo cáo Chỉ số can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá do Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông nam á (SEATCA) thực hiện cho thấy Việt Nam nằm trong 2 quốc gia có chỉ số can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá cao nhất trong các nước ASEAN.
Một tác phẩm đoạt giả trong cuộc thi sáng tạo hình ảnh về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trong nhiều nguyên nhân khiến cho hướng dẫn thực hiện điều 5.3 Công ước khung FCTC về “Bảo vệ các chính sách Y tế công cộng khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá” chưa được triển khai ở Việt nam, có nguyên nhân từ việc ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL) vẫn được chính phủ nhìn nhận như một ngành kinh tế có nhiều đóng góp, cho phép ngành CNTL được tham gia góp ý với các chính sách kiểm soát thuốc lá…, bất chấp những bằng chứng về những tác động tiêu cực về cả kinh tế lẫn sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Do đó, thực tế công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá còn rất nhiều thách thức, và còn rất nhiều việc phải làm để đấu tranh cho lợi ích sức khỏe của người dân.