Thông tin trên do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo triển khai Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11/5/2023 của Bộ Y tế quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/5. Hội nghị kết nối từ điểm cầu Hà Nội đến nhiều điểm cầu trên cả nước.
Thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như ung thư, bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới...
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển và gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới…
"Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch... Ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng cũng dẫn thông tin, theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất khu vực ASEAN
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu kể trên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 thì Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
"Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Thông tin tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau gần 2 năm tiến hành các bước xây dựng Thông tư theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 11/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Theo Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, 13 địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định mới nhất của Bộ Y tế
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên:
- Cơ sở y tế;
- Cơ sở giáo dục;
- Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
- Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà
- Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác;
- Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác.
Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm:
- Ô tô;
- Tàu bay;
- Tàu điện.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
- Khu vực cách ly của sân bay;
- Quán bar, quán karaoke, vũ trường;
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;
- Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.