Thuốc lá: Gánh nặng kinh tế và sức khỏe

28-05-2015 22:53 | Thời sự

SKĐS - Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm...

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm, chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm - Đây là thông tin được đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/5.

28% ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên liên quan đến thuốc lá

Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện được Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, trong đó, quy định được việc cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá và cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, quy định được diện tích in cảnh báo sức khỏe chiếm 50% vỏ bao thuốc lá. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng cao, 95% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc lá gây bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính...

Theo nghiên cứu của Trường ĐH Y tế công cộng năm 2013, 28% số ca tử vong ở nam giới Việt Nam từ 35 tuổi trở lên có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm mới cho chỉ 5 nhóm bệnh gồm: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, COPD, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Để môi trường không khói thuốc: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Cho đến nay, 180 nước đã là thành viên của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá - một trong những công ước được nhiều nước tham gia nhất trong lịch sử Liên hợp quốc. Việt Nam nằm trong nhóm đầu tiên của các nước phê chuẩn Công ước khung vào năm 2004. Kể từ đó, Công ước đã đóng vai trò quyết định tác động đến khung pháp lý về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam, mà trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 là điển hình tiêu biểu.

Trong số 180 nước ký Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, có 20 quốc gia thành lập được Quỹ PCTH của thuốc lá, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù chúng ta đã có nhiều kết quả trong việc thực hiện PCTH thuốc lá nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác này. Vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế; thuế thuốc lá còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng và nơi làm việc chưa hiệu quả, việc xử phạt chưa được thực hiện nghiêm. Đến nay, số tiền xử phạt trong cả nước mới chỉ đạt 46 triệu đồng. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật PCTH của thuốc lá cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành, các địa phương trong các hoạt động PCTH thuốc lá.

Tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được WHO trao giải thưởng danh dự do có những đóng góp to lớn trong công tác PCTH của thuốc lá. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong 2 cá nhân của 27 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương được nhận giải thưởng này.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn