Ngày 8/9, Bộ Y tế phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức HeathBridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin về các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, do trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khoẻ như nicotine, kim loại, chì, thuỷ ngân... nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ hệ hô hấp, tim mạch, não bộ, thời kỳ mang thai, nguy cơ ung thư...
"Các hình ảnh X-Quang ngực ở người hút thuốc lá điện tử cho thấy hình ảnh kính mờ lan toả nền phổi 2 bên, là biểu hiện kinh điển trong tổn thương nhu mô phổi. CDC Hoa Kỳ ghi nhận đến 18/2/2020 có hơn 2.800 trường hợp bị tổn thương phổi hoặc tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử.
Với thuốc lá nung nóng còn có độc tính cao hơn so với thuốc lá điện tử. Chúng cũng phát ra các hạt nhỏ có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi và có khả năng làm tổn thương nhu mô phổi"- PGS. Nhung phân tích.
Đặc biệt, chuyên gia về phổi nhấn mạnh, khói thuốc lá điện tử chứa nhiều kim loại và có khả năng dẫn đến nguy cơ ung thư. Các biến đổi phân tử dẫn đến ung thư ở người sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống là như nhau. Trong khi loại thuốc lá thế hệ mới này lại có xu hướng nhắm đến giới trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho thế hệ tương lai. Bằng chứng cho thấy, việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng ngay cả khi được quản lý chặt chẽ sẽ đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.
GS.TS Lê Gia Vinh - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang ngày một tăng lên, đặc biệt có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ hiện nay.
“Các sản phẩm thuốc lá mới hiện đang được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Song đây chỉ là quảng cáo nhằm khuyến khích mọi người sử dụng. Với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường” – PGS. Vinh nhấn mạnh.
Cần biện pháp "mạnh tay"
Theo ông Vinh, ngành công nghiệp thuốc lá đang hướng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xâm nhập tới các quốc gia một cách hợp pháp, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến đề xuất nhà nước nên cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc Shisha tại thị trường Việt Nam, bởi những tác hại mà chúng gây ra cho sức khoẻ không kém gì thuốc lá thông thường.
Trước những nguy cơ trên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng kiến nghị cần ban hành ngay quy định cấm, vận chuyển và buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi tràn lan trên thị trường.
“Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt trên internet… Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo luật phòng chống tác hại thuốc lá và công ước khung của WHO, đặc biệt là tại trường học, cơ sở y tế, nơi tập trung đông người” - PGS. Nhung nói.
Hội thảo “Cung cấp thông tin về các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.
Theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường. Chúng không có công dụng cai nghiện như quảng cáo của các tập đoàn thuốc lá. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Điều này cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới. Nhà nước không có lợi ích gì khi cho phép các sản phẩm này tại Việt Nam. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần. Do đó, cần thiết cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.
Đồng quan điểm, ThS. Lê Thị Thu - Tổ chức HeathBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, với việc các sản phẩm thuốc lá mới có chứa các chất độc hại gây bệnh tật và tử vong, ảnh hưởng đến cả người hút và người xung quanh; đặc biệt với xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên thì Việt Nam không nên cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát hoạt động quảng cáo, buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới...
Bên cạnh đó, ThS. Trang cũng chỉ rõ, quy mô thị trường và tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam còn nhỏ. Trong khi so sánh về chi phí hiệu quả do việc kinh doanh sản phẩm này mang lại rất thấp và có tác động bất lợi đến nhiều vấn đề kinh tế xã hội. Do đó, không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm này là phù hợp với Việt Nam.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương đã thống nhất tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý và quy định khác để thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, cũng như các biện pháp cấm hoặc quản lý thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới nổi.