Tại hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Theo ông Quang, các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma tuý, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ…
“Người dân được quyền sống trong môi trường trong lành, không chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lên tới 7%.
Hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin thêm, hiện nay, quy mô của thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới còn ít, không đáng kể (2,6%) và chưa sản xuất trong nước. Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.
Trong khi đó, xu hướng cấm mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của các nước cũng đang gia tăng. Để phù hợp với xu hướng chung của thể giới và tránh phải giải quyết những hậu quả tương tự như một số quốc gia, Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
"Chiêu bài" nhắm đến giới trẻ
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên - Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho hay, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên và thanh niên. Trong khi đó, trên thực tế các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.
Chiến lược sản phẩm nhắm đến giới trẻ của thuốc lá thế hệ mới.
Để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ: giá rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng của thanh thiếu niên về sản phẩm - động lực thúc đẩy sử dụng.
Nam 22 tuổi được hỏi trong khảo sát cho biết “Mình coi các quảng cáo các sản phẩm mới, các thứ về các loại hương vị thì mình cũng thấy tò mò về mua, về dùng thử mình lại thích sau đấy mình dùng nhiều hơn“.
Một nữ 21 tuổi trong Khảo sát của về Sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ bày tỏ: “Em thấy thứ nhất là nó tiện hơn thuốc lá. Thứ hai là em thấy nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp ý ạ. Trông nó rất là kiểu ăn chơi”...
Với chiêu thức quảng cáo đánh trúng thị hiếu của giới trẻ, các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng) hoặc cả 3 loại này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”.