Vấn đề chủ yếu là cho đến nay mọi người vẫn nghĩ Thuốc lá điện tử (TLĐT) là một sự thay thế cho thuốc lá thông thường. Và như thể đây là cách để bỏ thuốc dần dần. Trên thực tế thì không phải như vậy.
Trước hết, thực tế là không có sự kiểm soát đối với các nhà sản xuất và không có quy định thống nhất đối với họ. Thí dụ, trên bao gói của TLĐT viết rằng nó có hàm lượng nicotine thấp (hoặc trung bình, hoặc cao). Mà hàm lượng thấp là bao nhiêu? Mỗi nhà sản xuất công bố điều này theo cách khác nhau. Người mua nghĩ rằng mình hút ít thuốc, còn trên thực tế thậm chí có thể là nhiều hơn cả thuốc lá thông thường, vì vậy rất dễ bị “ngộ độc” mà không hề biết.
Ngoài ra, còn một tai họa của TLĐT do người hút không có sự kiềm chế với nó. Có nghĩa là với thuốc lá thông thường thì còn biết được số lượng thuốc hút trong ngày là 10 điếu hoặc 1 bao. Còn TLĐT thì có thể hút liên tục mà không có một yếu tố ràng buộc nào. Bản thân TLĐT gây ra và duy trì chứng nghiện nicotine không kém các sản phẩm thuốc lá khác. Những người hút không thể hoặc không muốn từ bỏ thuốc lá tìm đến TLĐT do nó có ít tàn thuốc hơn vì thế họ có nguy cơ hút thuốc nhiều gấp đôi. Những nghiên cứu nghiêm túc trên thế giới cho thấy rằng việc sử dụng TLĐT không giúp người hút từ bỏ thuốc lá.
Quảng cáo và khuyến mãi TLĐT nhận được sự hỗ trợ tích cực của ngành công nghiệp thuốc lá. Nhiều công ty thuốc lá tự sản xuất TLĐT riêng bởi sản phẩm thương mại này đã đem lại lợi nhuận không nhỏ. Cách đây một năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng từng tuyên bố rằng TLĐT mặc dù ít độc hơn thuốc lá thường nhưng vẫn nguy hiểm đối với cơ thể con người. Theo ý kiến của nhiều bác sĩ, cần phải cấm việc hút TLĐT trong phòng. Ngoài ra, cần bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên khỏi ảnh hưởng này. Khói của thuốc độc hại này là mối đe dọa đối với môi trường sống của những người xung quanh.
Hiện nay, trên thế giới có những quốc gia đã chính thức cấm TLĐT như: Brazil, Úc, Argentina, Bỉ, Canada, Na Uy, Singapore, Đảo Seychelles, Uruguay.
(Theo KP.ru)
Ngọc Bích