(SKDS) - Rối loạn lo âu là một bệnh lý rất thường gặp nhưng lại hay bị bỏ qua từ giai đoạn sớm. Vì sao và làm thế nào để biết mình mắc bệnh? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cũng như đưa ra giải pháp về điều trị bằng thuốc men và tâm lý liệu pháp.
Vì sao mắc bệnh?
Khi bị rối loạn lo âu toàn thể (RLLATT), có những lúc bạn cảm thấy bị bao vây bởi sự bồn chồn, lo lắng, lo âu căng thẳng về mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, cảm thấy lo âu căng thẳng về sự an toàn của mình và người thân, cảm giác rằng một điều gì tệ hại sắp xảy ra, kể cả khi không có nguy hiểm thực sự.
Tương tự các rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân của RLLATT chưa được biết rõ. Một số yếu tố tăng nguy cơ hình thành RLLATT là: tuổi thơ bất hạnh; mắc bệnh trầm trọng; stress; do nhân cách (một số dạng nhân cách nào đó dễ sinh rối loạn lo âu). Những người không đạt được nhu cầu về tâm lý, như trường hợp không có những liên hệ gần gũi được đáp ứng đầy đủ, có thể cảm thấy kém an toàn và có nguy cơ cao RLLATT. Ngoài ra, một số rối loạn nhân cách, như rối loạn nhân cách giáp ranh cũng đi kèm RLLATT hoặc do di truyền.
Thư giãn - một biện pháp giúp giảm lo âu (ảnh minh họa). |
Có thuốc gì để trị?
RLLATT gây những hậu quả nặng nề hơn, nó có thể làm người bệnh bị trầm cảm; lạm dụng chất gây nghiện; mất ngủ; những vấn đề về dạ dày ruột; nhức đầu; nghiến răng, do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều trị RLLATT bao gồm dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với tâm lý liệu pháp. Cần phải điều trị thử bằng nhiều loại thuốc trước khi tìm được loại phù hợp nhất cho bạn.
Dùng thuốc: Có nhiều loại thuốc để giảm bớt triệu chứng của RLLATT:
Các thuốc chống lo âu: Benzodiazepines là những thuốc an thần có ưu điểm làm giảm bớt lo âu trong vòng 30 - 90 phút. Nhược điểm của chúng là gây lệ thuộc thuốc nếu dùng quá vài tuần. Do đó, bác sĩ chỉ dùng thuốc này trong thời gian ngắn để giúp bạn vượt qua giai đoạn đặc biệt căng thẳng. Các thuốc thường dùng nhất gồm: alprazolam (xanax), chlordiazepoxide (librium), clonazepam (klonopin), diazepam (valium) và lorazepam (ativan). Những thuốc này có thể gây lảo đảo, choáng váng và mất phối hợp vận động. Dùng liều cao và trong thời gian dài có thể gây rối loạn trí nhớ. Không được lái xe và vận hành máy móc lớn khi đang uống thuốc.
Buspirone (buspar) là một loại thuốc khác thường dùng để điều trị RLLATT. Thuốc này phải mất vài tuần mới cải thiện được các triệu chứng, tuy nhiên ưu điểm của nó là không gây lệ thuộc thuốc. Tác dụng phụ thường gặp của buspirone là cảm giác lâng lâng trong một thời gian ngắn xảy ra sau khi dùng thuốc. Những tác dụng phụ ít gặp hơn là nhức đầu, buồn nôn, cảm giác bồn chồn và mất ngủ.
Thuốc chống trầm cảm: Các thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh được xem là có vai trò trong hình thành rối loạn lo âu. Các thuốc chống trầm cảm thường dùng điều trị RLLATT gồm: fluoxetine (prozac), paroxetine (paxil), imipramine (tofranil), venlafaxine (effexor), escitalopram (lexapro) và duloxetine (cymbalta).
Dù dùng thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai, bác sĩ cần điều trị thử vài loại thuốc trước khi chọn được một loại thích hợp và ít tác dụng phụ nhất cho bạn. Bạn không được tự ý mua và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Cũng cần lưu ý rằng, một số thuốc không tác dụng ngay, đặc biệt các thuốc chống trầm cảm. Cần phải mất vài tuần để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng lo âu. Tâm lý liệu pháp hoặc các kỹ năng đối phó lành mạnh sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này.
Tâm lý liệu pháp: Còn gọi là điều trị qua đối thoại và tư vấn. Tâm lý liệu pháp cần được sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần qua sự lắng nghe và trao đổi.
Việc điều trị RLLATT hoặc bất kỳ bệnh lý tâm thần nào khác cần phải thích ứng với từng trường hợp. Không có một chế độ điều trị kiểu mẫu nào có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Chủ yếu là điều trị ngoại trú, nhưng một số trường hợp nặng cần phải nhập viện.
BS. Khanh Ngọc