Thuốc kháng viêm, giảm đau thông dụng: Người nào không nên dùng?

05-06-2018 15:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thuốc kháng viêm, giảm đau không kê đơn (OTC) nằm trong số các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất.

Tuy nhiên không phải mọi thuốc giảm đau không kê đơn đều thích hợp cho mọi đối tượng bệnh nhân. Hơn thế nữa, việc dễ dàng mua được thuốc này tăng nguy cơ bị tác dụng phụ và tương tác thuốc bất lợi.

Loại thuốc thường bị lạm dụng

Thuốc kháng viêm, giảm đau không kê đơn thường được sử dụng một cách dễ dãi ở hầu hết các bệnh nhân, nhưng nó lại dễ dàng bị bỏ qua trong quá trình khám lâm sàng của các bác sĩ. Nhiều bệnh nhân khi đi khám bệnh chỉ chú ý đến việc trao đổi với bác sĩ các vấn đề ưu tiên khác như việc dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính. Còn việc họ đã sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau OTC như thế nào thì lại không đề cập đến. Và rất nhiều bác sĩ trong quá trình khám bệnh đã vô tình bỏ qua câu hỏi về quá trình sử dụng các sản phẩm này. Các thuốc kháng viêm, giảm đau OTC thường được bệnh nhân mua về sử dụng mà không cần có chỉ định của bác sĩ như: naproxen, ibuprofen, acetaminophen, ibuprofen/diphenhydramine, acetaminophen/hydrocodone.

Đa số bệnh nhân lại cho rằng không cần thiết phải báo cáo bác sĩ về quá trình dùng thuốc này, bởi vì họ không xem đây là “thuốc”, vì các sản phẩm này được mua dễ dàng ở hiệu thuốc mà không cần đơn. Sự thật này đúng với các sản phẩm không kê đơn khác nói chung và kể cả các sản phẩm thực phẩm chức năng nói riêng. Thật không may là nhiều bệnh nhân không nhận ra được những nguy cơ suy tim, suy thận mạn, đột quỵ và nhiều nguy cơ nghiêm trọng khác khi dùng đồng thời nhiều loại thuốc không kê đơn có cùng thành phần hoặc tương tác với các loại thuốc khác khi họ không trao đổi với bác sĩ trong quá trình thăm khám bệnh.

Cần báo cáo bác sĩ khi sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau OTC.

Cần báo cáo bác sĩ khi sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau OTC.

Và nguy cơ tiềm ẩn

Việc lạm dụng thuốc giảm đau OTC không chỉ có ở Việt Nam, mà gần đây, kết quả của một cuộc khảo sát trên toàn nước Mỹ ở người trưởng thành cho thấy: 94% số người tham gia khảo sát thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị đau. Nhiều người trong số này sử dụng thuốc mà không xem xét các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như có tương tác bất lợi với các loại thuốc kê đơn mà họ đang dùng hay không. Có ảnh hưởng đến bệnh sẵn có (gan, thận, dạ dày...) cũng như tuổi tác của người bệnh... Chính vì việc không có thông tin đầy đủ của các bệnh nhân mà các thuốc này đang có nguy cơ tiềm ẩn lớn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Ví dụ, khi dùng thường xuyên, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch của bệnh nhân, nhất là đối với những bệnh nhân sẵn có bệnh tim mạch. Sử dụng NSAID liên tục trên 3 tháng có liên quan đến tỷ lệ loét dạ dày từ 15-35%.

Tương tự, các yếu tố nguy cơ trên gan khi sử dụng acetaminophen cho bệnh nhân. Acetaminophen gây độc trên gan vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp ở hầu hết các bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn, nhiều bệnh nhân có tiền sử bị độc tính do acetaminophen vẫn không biết rằng họ đang lạm dụng thuốc. Chính vì thế, cần giáo dục cho bệnh nhân về các loại thuốc có chứa acetaminophen, cũng như liều thích hợp tối đa hàng ngày, là một bước quan trọng để đảm bảo rằng bệnh nhân sử dụng thuốc này một cách hợp lý.

Những bệnh nhân nào không nên dùng thuốc?

Mặc dù một số thuốc kháng viêm, giảm đau OTC được bán phổ biến trên thị trường, tuy nhiên để sử dụng nó một cách an toàn, bệnh nhân cần phải có tư vấn của bác sĩ. Và đặc biệt, khi đi khám bệnh thì nhất thiết phải báo cáo tỉ mỉ về quá trình sử dụng thuốc này để bác sĩ đánh giá đầy đủ việc sử dụng thuốc của bệnh nhân trước khi đặt bút kê đơn thuốc. Theo đó, những bệnh nhân sau cần phải hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau OTC:

Bệnh nhân trên 60 tuổi có nguy cơ cao hơn bị chảy máu đường tiêu hóa khi sử dụng NSAID.

Bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm - loét dạ dày, tổn thương thận, nguy cơ tim mạch, bệnh gan hoặc xơ gan, tăng huyết áp, hoặc bệnh hen suyễn làm tăng nguy cơ khi sử dụng NSAID và acetaminophen.

Khi bệnh nhân đang phải sử dụng các loại thuốc như: thuốc chống đông máu/ thuốc huyết khối, corticosteroid, thuốc huyết áp, hoặc aspirin làm gia tăng nguy cơ khi dùng NSAID Nguy cơ cũng tăng cao với các thuốc khác có chứa các thành phần giảm đau tương tự.

Ngoài ra việc khuyến cáo bệnh nhân luôn đọc kỹ nhãn thuốc và hướng dẫn sử dụng đối với bất kỳ sản phẩm thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng là điều hết sức cần thiết.

Thuốc giảm đau không kê đơn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nhưng các sản phẩm này chỉ an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo hướng dẫn. Với việc tăng cường truyền thông cho bệnh nhân xung quanh các thuốc giảm đau không kê đơn nói riêng, các thuốc không kê đơn nói chung và kể cả các thực phẩm chức năng sẽ giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về liệu pháp điều trị cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân đưa ra các lựa chọn an toàn, hợp lý.

DS. Nguyễn Hải Đăng
Ý kiến của bạn