Tìm hiểu về ung thư
Ung thư gây ra do sự hình thành và phát triển một cách không kiểm soát của các tế bào bất thường (là tế bào bình thường bị đột biến). Sự sinh sôi, nảy nở của các tế bào bất thường này sẽ tạo ra các tế bào ung thư nhanh chóng xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu.
Các tế bào ung thư cần có các mạch máu giúp máu vận chuyển các chất dinh dưỡng, oxy, để nuôi sống chính nó và loại bỏ các chất thải. Khi các khối u ung thư đạt đến kích thước 1 - 2mm, nhu cầu các chất dinh dưỡng và oxy tăng lên, đòi hỏi sự hình thành các mạch máu mới để đáp ứng nhu cầu này.
Thuốc kháng VEGF là gì?
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mạch máu mới. VEGF là một protein được sản sinh từ các tế bào ung thư, gắn với thụ thể trên tế bào lót thành mạch máu (tế bào nội mô) trong khối u, kích thích hình thành các mạch máu mới, đáp ứng cho nhu cầu phát triển và di căn của khối u ung thư.
Nếu sự hình thành các mạch máu mới bị ngăn chặn, các khối u ung thư sẽ dần bị tiêu diệt do không đủ chất dinh dưỡng và oxy để nuôi dưỡng chúng.
Thuốc kháng VEGF là những thuốc ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới (nên còn được gọi là thuốc chống tăng sinh mạch máu) do ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), ngăn chặn sự phát triển của các khối u nên được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ung thư.
Phân loại
Tùy theo cơ chế hoạt động, các thuốc kháng VEGF được chia thành các nhóm:
- Nhóm thuốc kháng thể đơn dòng tác động trực tiếp lên VEGF hay lên thụ thể VEGF.
- Nhóm thuốc ức chế các phận tử nhỏ tyrosine kinase của thụ thể VEGF, ngăn chặn sự dẫn truyển tín hiệu của các tế bào ung thư;
- Nhóm thuốc đóng vai trò của thụ thể VEGF hòa tan làm mồi “bẫy” VEGF.
Ứng dụng trong điều trị ung thư
Do tác động ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới, khiến các khối u ung thư dần dần bị tiêu diệt vì không được nuôi dưỡng, nên các thuốc kháng VEGF đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị một số bệnh lý ung thư.
Nhóm thuốc kháng thể đơn dòng: là nhóm thuốc ngày càng được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý ung thư và thường được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch:
- Bevacizumab (Avastin) được chỉ định trong điều trị ung thư ruột (đại-trực tràng), vú, cổ tử cung, thận…
- Cetuximab (Exbitux) được chỉ định trong điều trị ung thư ruột.
- Panitumumab (Vectibix) được chỉ định trong điều trị ung thư ruột.
- Trastuzumab (Herceptin) được chỉ định trong điều trị ung thư vú.
Cần lưu ý
Nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ: Sốt, ớn lạnh, suy nhược, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, huyết áp thấp, và phát ban …
Nhóm thuốc ưc chế các phận tử nhỏ tyrosine kinase của thụ thể VEGF: là nhóm thuốc chiếm số lượng lớn trong ứng dụng điều trị ung thư và thường được sử dụng qua đường uống.
- Sunitinib (Sutent) thường được chỉ định trong điều trị ung thư thận.
- Erlatinib (Ecbitux) thường được chỉ định trong ung thư tụy.
- Imatinib (Glivec) thường được chỉ định ung thư bạch cầu tủy mạn tính.
- Sorafenib (Nexavar) thường được chỉ định trong ung thư thận ….
Cần lưu ý
Nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ: phát ban, mệt mỏi, đau cơ, tăng huyết áp, xuất huyết…
Nhóm thuốc đóng vai trò của thụ thể VEGF hòa tan: Nhóm thuốc này hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Các thuốc trên đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận trong điều trị ung thư, thường được phối hợp với các thuốc chống ung thư khác trong hóa trị liệu để điều trị ung thư. Việc sử dụng các thuốc này phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa.
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của nền y học hiện đại, ngày càng nhiều các thuốc kháng VEGF được ứng dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các bệnh lý ung thư.