Hà Nội

Thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn chặn triệu chứng của Alzheimer

28-05-2019 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng của Alzheimer bằng cách tác động đến vi khuẩn đường ruột.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng của Alzheimer bằng cách tác động đến vi khuẩn đường ruột.

Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Chicago, đã chứng minh việc sử dụng kháng sinh lâu dài có thể làm giảm viêm và làm chậm sự phát triển của các mảng amyloid ở chuột đực. Mảng amyloid là một đặc điểm của bệnh Alzheimer. Chúng hình thành khi một loại protein đặc biệt trong các tế bào thần kinh của não tích tụ lại với nhau. Những mảng amyloid này phá vỡ chức năng tế bào não và dẫn đến các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Ở những người mắc bệnh Alzheimer có sự thay đổi vi khuẩn ở đường ruột và các nghiên cứu trước đó cũng đã cho thấy, vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng giống như bệnh Alzheimer ở ​​loài gặm nhấm.

Giáo sư Sisodia (trưởng nhóm nghiên cứu) và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu mới về mô hình chuột mắc bệnh Alzheimer. Họ đã sử dụng kết hợp kháng sinh để xem nó ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành các mảng amyloid và sự kích hoạt microglia trong não của loài gặm nhấm. Microglia là các tế bào miễn dịch có thể gây viêm trong não khi được kích hoạt.

Giáo sư Sisodia và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng việc sử dụng kháng sinh lâu dài có ảnh hưởng khác nhau đến hệ vi sinh vật của chuột đực và chuột cái. Cụ thể, những thay đổi đối với microbiome (hệ gen của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người) đã hạn chế sự phát triển của các mảng amyloid và biến microglia thành một dạng giúp giữ cho não khỏe mạnh - nhưng chỉ ở chuột đực (điều này không xảy ra ở chuột cái).

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, bao gồm: Tuổi già là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đã được biết, đặc biệt là sau 65 tuổi; gia đình có người từng mắc bệnh; những người bị suy giảm nhận thức nhẹ; tiền căn chấn thương đầu; lối sống không lành mạnh như ít vận động, hút thuốc lá, chế độ ăn thiếu rau và trái cây; mắc một số bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, tiểu đường…

Alzheimer là một căn bệnh phát triển ngày càng nặng hơn theo thời gian. Hầu hết những người phát triển bệnh này gặp vấn đề về trí nhớ ngay từ đầu, với biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, có thể can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của người bệnh như: Gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tên hoặc từ ngữ, nghiêm trọng đủ để gia đình hoặc người thân chú ý; Giảm khả năng nhớ tên khi được giới thiệu với người mới; Thiếu hiệu quả trong môi trường làm việc hoặc xã hội, nghiêm trọng đủ để gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp chú ý… Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong xử lý các tình huống trong cuộc sống và khó khăn trong việc hoàn thành các công việc thường ngày ở nhà hoặc nơi làm việc. Ngoài ra, bệnh có thể làm giảm khả năng phán đoán của người bệnh. Một số có thể thay đổi tâm trạng hoặc hành vi.

Hiện tại không có cách chữa trị khỏi bệnh Alzheimer, nhưng có một số phương pháp điều trị có sẵn có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Giáo sư Sangram S. Sisodia cho biết, hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các phương pháp chữa trị nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, nhưng kết quả của nghiên cứu này đã cho thấy, sự nhiễu loạn qua trung gian kháng sinh của hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng chọn lọc, đặc trưng giới tính đối với sự hình thành mảng bám amyloid và hoạt động của vi mô trong não, có thể mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm cách ngăn chặn căn bệnh này.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn