Thuốc kháng nấm: Dùng đúng, hiệu quả cao

17-01-2018 14:46 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh do vi nấm gây ra thường gặp trong cộng đồng, nhất là các loại nấm gây bệnh cho da, niêm mạc, lông, tóc… thậm chí vi nấm gây bệnh nguy hiểm cho người như nấm phổi, nấm đường tiêu hoá gây tiêu chảy…

Hiện đã có một số chất kháng nấm nhưng khi dùng cần đặc biệt lưu ý về những tác dụng phụ của thuốc để dùng cho an toàn.

Những loại thuốc nào để trị nấm?

Để điều trị nấm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất ra các chất chống nấm. Hiện nay đã có bốn loại thuốc kháng nấm, các loại này được nghiên cứu dựa vào cơ chế tác động của thuốc lên tế bào vi nấm, đó là:

Loại ức chế sự hình thành màng: Như các azol (fluconazol, voriconazol, itraconazol) có tác dụng ức chế phản ứng sinh hoá học tạo ergosterol cần thiết cho màng tế bào nấm, làm tổn thương màng và từ đó sẽ tiêu huỷ tế bào nấm. Nên lưu ý rằng, azol rất có tác dụng hữu hiệu đối với nấm Candida và loại Aspergillus.

Thuốc kháng nấm được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau.

Thuốc kháng nấm được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau.

Loại có tác dụng đục thủng màng tế bào nấm: Đó là các polyen (như amphotericin B, amphotericin B deoxycholat…) kết hợp với ergosterol ở màng tế bào và tấn cống nấm. Các loại này thường dùng để điều trị ban đầu với loại bệnh nấm do crytococcus. Tuy vậy, các loại kháng nấm loại này có nhược điểm là giá thành còn cao chưa phù hợp với đại đa số người dân, hơn nữa thuốc độc hại với thận, vì vậy, những người đã, đang mắc bệnh về thận, nhất là suy thận không được dùng loại thuốc này.

Loại ức chế tạo acid nhân ADN và ARN: Trong loại thuốc ức chế này các chất đồng đẳng pyrimidin 5 fluorocytosin tiêu diệt nấm bằng cách ức chế sự tạo ADN và ARN. Loại thuốc kháng nấm này kết hợp với amphotericin B đã được sử dụng điều trị viêm não do cryptococcus có kết quả tốt do cơ chế tác dụng của hỗn hợp hai loại thuốc đã đi vào dịch não tủy tấn công vi nấm. Nhược điểm của loại thuốc 5 fluorocytosin là có độc tính cao với người sử dụng và vi nấm có khả năng kháng lại thuốc.

Ngăn chặn sự phát triển của nấm: Các echinocandin như caspofogin, micafungin… có khả năng ức chế tổng hợp cuả B (1-3) D glucan (chất cần thiết cho màng tế bào nấm), từ đó gây hủy hoại tế bào nấm. Loại thuốc kháng nấm này còn có hiệu quả tốt, nhưng giá thành cao, thường được lựa chọn khi đã dùng các loại chống nấm khác không hiệu quả hoặc hiệu quả kém.

Ức chế gene: Gần đây, một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã nghiên cứu và phát hiện ra một loại protein Bdf1 rất cần thiết cho loài nấm Candida albicans, do protein Bdf1 là yếu tố điều hoà biểu hiện gene. Vì vậy, các tác giả đã nghiên cứu  được chất gây xáo trộn gene của vi nấm, đó là các chất ức chế protein Bdf1 gồm một nhóm thuốc chống nấm mới làm xáo trộn toàn bộ chương trình biểu hiện gene của nấm dẫn đến tiêu huỷ nấm.

Các lưu ý không được bỏ qua khi dùng thuốc

Điều trị sớm: Trong các trường hợp nhiễm nấm, điều trị càng sớm thì hiệu quả đạt được càng cao. Do đó, thuốc chống nấm nên được dùng sớm ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ như trên da xuất hiện các ban hình tròn, có rìa, lan dần, có thể ngứa hoặc không…

Tác dụng không mong muốn: Các loại thuốc kháng nấm đều có tác dụng phụ, chẳng hạn amphotericin B deoxycholate và dạng lipid của thuốc này có thể gây nhiễm độc thận, viêm tắc tĩnh mạch, thiếu máu, sốt, run, buồn nôn, nôn… hay như các dẫn xuất nhóm azol có thể gây nhiễm độc gan, nổi ban đỏ, hoa mắt chóng mặt, rối loạn tiêu hoá… Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu khác thường người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Cách dùng của từng dạng thuốc: Do tổn thương nấm có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nên các nhà sản xuất cũng đã bào chế ra nhiều dạng thuốc thuận tiện cho người bệnh khi dùng như dạng viên ngậm, kem bôi, dung dịch, viên đặt âm đạo (điều trị nấm Candida âm đạo)… Đối với mỗi dạng thuốc có những cách dùng riêng biệt, đối với dạng viên ngậm để điều trị tại chỗ nên ngậm viên thuốc cho tới khi tan hoàn toàn, không nhai hoặc nuốt cả viên. Đối với dạng bôi ngoài da nên dùng một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị bệnh, không nên bôi quá dày hay bôi ra ngoài phần da bị bệnh.


TS. Đặng Bùi Bảo Linh
Ý kiến của bạn