Thuốc kháng histamine có làm tăng huyết áp?

16-09-2021 13:26 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết chuyển mùa sang thu, là điều kiện thuận lợi cho chứng bệnh dị ứng phát triển. Để làm giảm các triệu chứng dị ứng có thể sử dụng thuốc kháng histamine, nhưng người bệnh cao huyết áp nên cẩn trọng.

Thuốc kháng histamine có làm tăng huyết áp? - Ảnh 1.

Thuốc kháng histamin là loại thuốc phổ biến để điều trị các triệu chứng dị ứng.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp cao còn được gọi là tăng huyết áp, xảy ra khi có áp lực (căng thẳng) trong động mạch. Động mạch là những mạch máu vận chuyển máu từ tim đến tất cả các mô và cơ quan. Huyết áp khỏe mạnh là dưới 120/80, trong khi huyết áp từ 120/80 đến 139/89 được coi là "tiền tăng huyết áp" (huyết áp cao giới hạn). Huyết áp từ 140/90 trở lên được coi là tăng huyết áp (huyết áp cao).

Huyết áp cao là một triệu chứng phổ biến và/hoặc nguyên nhân của nhiều loại bệnh và tình trạng y tế. Tăng huyết áp nhẹ có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có các triệu chứng đáng chú ý, tuy nhiên, theo năm tháng, khi bạn già đi, nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp sẽ tăng lên.

Có nhiều lựa chọn điều trị bệnh cao huyết áp. Một số lựa chọn điều trị này bao gồm: Thuốc trị tăng huyết áp và thay đổi lối sống (nghĩa là chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh rượu bia, thuốc lá). Mặc dù có một số loại thuốc có lợi cho bệnh cao huyết áp, nhưng có một số loại thuốc mà người cao huyết áp nên cần trọng khi sử dụng, trong đó có thuốc kháng histamine.

Lưu ý khi dùng thuốc kháng histamin H1 trị dị ứngLưu ý khi dùng thuốc kháng histamin H1 trị dị ứng

SKĐS - Thuốc kháng histamin H1 là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng hiện nay. Vì sao histamin H1 lại có tác dụng đối với dị ứng và sử dụng thuốc như thế nào cho đúng?...

Tác dụng của thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamine, có tác dụng ngăn chặn ngứa, sưng, đỏ, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ho, buồn nôn và chóng mặt.

Histamine ảnh hưởng đến cơ trơn và mạch máu, gây co thắt cơ trơn và giãn mạch. Việc sử dụng thuốc kháng histamine ngăn chặn hầu hết các tác dụng này, khiến chúng trở thành loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Những loại thuốc này có tác dụng cho nhiều tình trạng dị ứng cũng như những chứng liên quan đến an thần như căng thẳng và lo lắng. Vì vậy, ngoài việc điều trị dị ứng, thuốc còn được sử dụng đa dạng để điều trị các triệu chứng cảm lạnh, say tàu xe, buồn nôn do các nguyên nhân khác, dị ứng da và gây buồn ngủ ở những bệnh nhân căng thẳng hoặc lo lắng.

Thuốc kháng histamine có thể được phân loại là an thần (thuốc kháng histamine thế hệ thứ nhất) và không an thần (thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai). Cả hai đều hoạt động trên thụ thể H1, nhưng các thuốc thế hệ đầu tiên cũng hoạt động ít chọn lọc hơn trên các thụ thể khác. Sự khác biệt nằm ở khả năng vượt qua hàng rào máu não của thuốc.

Thuốc kháng histamin thế hệ 1 gồm: Promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat (dạng bào chế riêng hoặc kết hợp trong một số thuốc điều trị cảm cúm), brompheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid, hydroxyzin hydroclorid... Một số thuốc thế hệ 2 bao gồm: Loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin, acrivastin.

Lưu ý, thuốc kháng histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng, không điều trị được nguyên nhân. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng như thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn... mới có thể trị được bệnh.

Thuốc kháng histamine có làm tăng huyết áp? - Ảnh 3.

Thuốc kháng histamine kết hợp với thuốc thông mũi có thể làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp cao.

Thuốc kháng histamine có làm tăng huyết áp?

Mặc dù thuốc kháng histamine thường không trực tiếp làm tăng huyết áp, nhưng chúng có thể gián tiếp góp phần làm tăng huyết áp. Vì, nhiều thuốc kháng histamine được kết hợp với thuốc thông mũi như pseudoephedrine và phenylephrine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp cao hiện có.

Thuốc thông mũi đã được chứng minh, trong một số trường hợp, làm tăng huyết áp, gây ra nhịp tim không ổn định và tăng nhịp tim trên 100 nhịp mỗi phút.

Thuốc thông mũi làm co mạch máu để mở đường mũi và tạo điều kiện thở dễ dàng hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp vì chúng không có tính chọn lọc đối với các mạch máu ở mũi và do đó, có thể làm co mạch máu ở các bộ phận khác của cơ thể và làm tăng huyết áp.

Mặc dù những loại thuốc này có thể làm dịu nghẹt mũi và cải thiện hô hấp, nhưng chúng có thể làm co mạch máu khắp cơ thể, khiến tim hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Đây là nguyên nhân làm tăng huyết áp.

Vì vậy, khi chọn thuốc chữa dị ứng không kê đơn, hãy cẩn thận với các sản phẩm kết hợp có chứa chất làm thông mũi. Chỉ dùng thuốc kháng histamine đơn thuần (không có thuốc thông mũi) để chữa dị ứng. Nếu bị huyết áp cao nên lựa chọn thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai như loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin, acrivastin.

Nguyên tắc cần nhớ khi dùng thuốc kháng histamin

Nguy cơ có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một nguyên tắc cơ bản: Nhiều thuốc hơn đồng nghĩa với rủi ro cao hơn. Bệnh nhân sử dụng càng nhiều loại thuốc thì nguy cơ tương tác càng cao. Để an toàn, hãy luôn kiểm tra thông tin hướng dẫn trên nhãn thuốc trước khi dùng.

Cũng như các loại thuốc khác, tất cả các thuốc kháng histamin đều có tác dụng phụ nên phải dùng đúng  liều lượng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi dùng, cần theo dõi các phản ứng của thuốc.

Ngoài ra, các thuốc cảm lạnh không kê đơn thường chứa sự kết hợp của các loại thuốc, do đó nên tránh sử dụng nếu một trong các thành phần của chúng là thuốc thông mũi. Nếu không chắc chắn về độ an toàn của thuốc, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Mời xem thêm video dang được quan tâm:

Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội

DS. Vũ Thùy Dương
Ý kiến của bạn