Chỉ trong hơn một tháng, hai loại thuốc kháng virus được đưa vào sử dụng để cắt giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng đối với những người được điều trị ngay sau khi nhiễm lần đầu.
Vào ngày 4 /11 vừa qua, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận molnupiravir hơn một tháng sau khi các công ty thông báo rằng loại thuốc kháng virus đã giảm một nửa nguy cơ nhập viện ở những người mắc COVID-19 dạng nhẹ hoặc trung bình. Một ngày sau khi được sự chấp thuận của Vương quốc Anh, Pfizer, có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), thông báo rằng loại thuốc kháng virus Paxlovid của họ đã cắt giảm 89% số ca nhập viện.
Các loại thuốc này có thể thay đổi thực trạng đại dịch hiện nay. Các lựa chọn kháng virus trước đây chống lại COVID-19 rất tốn kém và phải được sử dụng tại bệnh viện, thì hiện nay các loại thuốc mới có thể được sử dụng tại nhà.
Ông Charles Gore - Giám đốc điều hành của Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc, một tổ chức được Liên Hợp Quốc hỗ trợ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, cho biết: "Các loại thuốc kháng virus mới tương đối rẻ. Nhiều nơi trên thế giới không được bao phủ vaccine đầy đủ thì đây thực sự là một "món quà trời cho".
Hiệu quả của các loại thuốc kháng virus mới
Theo đánh giá, cả hai loại thuốc đều có thể làm giảm các trường hợp nhập viện và có thể gây tử vong do COVID-19 khi chúng được sử dụng ngay sau khi nhiễm trùng.
John Mellors, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế ĐH Pittsburgh ở Pennsylvania (Mỹ) cho biết: "Không có trường hợp tử vong nào xảy ra trong các nhóm điều trị".
Ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "Nếu đúng thuốc kháng virus có tác dụng thì sự kết hợp giữa vaccine và thuốc kháng virus có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh. Ví dụ, nếu một biến thể coronavirus đáng lo ngại xuất hiện ở một khu vực cụ thể, những người có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất có thể được dùng thuốc kháng virus để bổ sung khả năng miễn dịch từ vaccine. Điều này có thể kìm hãm virus và ngăn chặn sự lây lan của nó, tạo một tác động thực sự ấn tượng tới tình hình đại dịch".
Cả Pfizer và Merck đều báo cáo, thuốc kháng virus của họ được những người tham gia nghiên cứu dung nạp tốt và các tác dụng phụ tiềm ẩn nhỏ.
Cụ thể, Molnupiravir hoạt động bằng cách đưa các đột biến vào bộ gen của virus trong quá trình nhân lên của virus. Một chất chuyển hóa của thuốc được một loại enzyme của virus gọi là RNA polymerase phụ thuộc RNA thu nhận và kết hợp vào bộ gen của virus, cuối cùng gây ra rất nhiều lỗi khiến virus không thể tồn tại được nữa.
Paxlovid hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme cần thiết để xử lý một số protein của virus thành dạng chức năng cuối cùng của chúng. Nhưng loại thuốc này là sự kết hợp giữa thuốc kháng virus và một loại thuốc khác, được gọi là ritonavir, giúp ngăn chặn các enzym trong gan phá vỡ chất kháng virus trước khi nó có cơ hội vô hiệu hóa virus.
Ritonavir, một thành phần pha trộn thuốc điều trị HIV, có thể ảnh hưởng đến cách một số loại thuốc khác được chuyển hóa trong cơ thể. Không nên dùng nhiều loại thuốc cùng với ritonavir, bao gồm một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các bệnh về tim, ức chế hệ thống miễn dịch và giảm đau.
Thuốc kháng virus có chống lại các biến thể đáng lo ngại không?
Về lý thuyết, thuốc phải có hiệu quả chống lại các biến thể coronavirus đã biết, bao gồm cả biến thể Delta có khả năng lây truyền cao.
Tập đoàn Merck đã thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng molnupiravir có hiệu quả chống lại Delta và các biến thể khác - bao gồm cả biến thể Beta, được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng molnupiravir tạo ra một loạt các đột biến trong mỗi bộ gen của virus và càng nhiều đột biến mà bộ gen đó tích lũy thì khả năng một trong số chúng sẽ làm virus suy yếu càng lớn.
Coronavirus kháng thuốc chống virus không?
Kháng thuốc là một vấn đề quen thuộc và là lý do mà một số bệnh nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như HIV và viêm gan C, được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp các loại thuốc kháng virus. Katherine Seley-Radtke, một nhà hóa học đang phát triển thuốc kháng virus tại Đại học Maryland (Mỹ) cho biết: "Điểm mấu chốt là chúng ta sẽ cần các liệu pháp kết hợp".
Cho đến nay, molnupiravir và Paxlovid mới chỉ được thử nghiệm như một liệu pháp đơn lẻ. Một phân tích vào ngày 5/11 của công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity ở London (Anh) cho biết chỉ có 16 thử nghiệm COVID-19 kiểm tra sự kết hợp của thuốc kháng virus với hơn 100 tình nguyện viên tham gia. Hầu hết các kết hợp được thử nghiệm với thuốc sốt rét hydroxychloroquine, một loại thuốc đã nhiều lần thất bại khi được thử nghiệm như một tác nhân duy nhất trong các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt chống lại COVID-19.
Douglas Richman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH California ở San Diego (Mỹ) cho biết rằng điều quan trọng là phải xem xét những người không đáp ứng với molnupiravir hoặc Paxlovid để tìm hiểu xem liệu kháng virus có phải là một yếu tố hay không. Các nhà nghiên cứu cũng nên giám sát chặt chẽ những người dùng thuốc có hệ thống miễn dịch suy yếu. "Bởi vì nhiễm trùng có thể tồn tại lâu hơn ở những người này, nên có nhiều cơ hội để kháng thuốc xuất hiện" – chuyên gia Richman cho hay.
Những người có thể tiếp cận các loại thuốc mới?
Merck đã ký một thỏa thuận với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc để cung cấp các giấy phép sở hữu trí tuệ cần thiết để sản xuất molnupiravir ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một số công ty sản xuất thuốc gốc đã bắt đầu sản xuất loại thuốc này.
Pfizer cũng đang thảo luận với Tổ chức bằng sáng chế. Cả hai công ty này đều cam kết định giá ngang bằng để cho phép các quốc gia có thu nhập thấp hơn và trung bình trả ít hơn cho các loại thuốc so với các quốc gia giàu có hơn.
Nhưng sở hữu trí tuệ không phải là rào cản duy nhất để tiếp cận. Một mối quan tâm khác là thử nghiệm: sử dụng thuốc kháng virus sớm trong quá trình nhiễm trùng có nghĩa là các quốc gia sẽ cần nguồn cung cấp dồi dào các xét nghiệm COVID-19.
"Có một khoảng cách rất lớn trong việc xét nghiệm ở một số quốc gia. Chúng tôi không muốn ai đó kê đơn thuốc này nếu ai đó có các triệu chứng giống COVID, nhưng hóa ra là bệnh cúm, không phải COVID-19" – ông Kim phân tích.
Trong khi đó, các quốc gia giàu có đang đặt hàng số lượng lớn thuốc kháng virus, làm dấy lên lo ngại rằng sẽ bị cạn kiệt nguồn cung và hạn chế khả năng tiếp cận thuốc ở các nơi khác trên thế giới.
Ông John Amuasi, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm và Sức khỏe Toàn cầu tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Kumasi ở Ghana, cho biết tình huống này đã quá quen thuộc. "Hãy xem điều gì đã xảy ra với vaccine" – ông Amuasi nói.
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong Bệnh viện dã chiến