Thuốc được dùng trong trường hợp nào?
Có nhiều loại thuốc chống cholinergic khác nhau, nhưng tất cả chúng đều hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của acetylcholine. Thuốc được dùng trong rất nhiều trường hợp như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bàng quang hoạt động quá mức và không tự chủ, rối loạn tiêu hóa, các triệu chứng của bệnh Parkinson, chóng mặt, say tàu xe... và chỉ có bác sĩ mới có thể xác định loại thuốc kháng cholinergic nào phù hợp với người bệnh cụ thể và thời gian điều trị sẽ kéo dài bao lâu để đạt hiệu quả điều trị.
Thuốc kháng cholinergic rơi vào nhiều nhóm thuốc khác nhau, vì vậy bệnh nhân khó xác định hoặc ghi nhớ các loại thuốc cụ thể này. Một vài ví dụ về các thuốc có đặc tính kháng cholinergic như: Thuốc chống nôn (promethazin), thuốc điều trị Parkinson (benztropine), thuốc chống co thắt đường tiêu hóa (propantheline), thuốc chống co thắt bàng quang (oxybutynin, tolterodine) và thuốc chống trầm cảm (imipramin)...
Thận trọng dùng các thuốc kháng cholinergic cho người cao tuổi.
Lưu ý phản ứng phụ của thuốc
Với một đơn thuốc phù hợp, thuốc kháng cholinergic thường an toàn, nhưng một số người có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ tiềm ẩn phụ thuộc vào lịch sử y tế của từng cá nhân, cũng như liều lượng và loại thuốc kháng cholinergic cụ thể mà người bệnh dùng.
Tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic có thể bao gồm nhầm lẫn, ảo giác, buồn ngủ, an thần, khô miệng, mờ mắt, táo bón, giảm tiết nước bọt, giảm tiết mồ hôi và tăng nhiệt độ cơ thể (làm tăng nguy cơ say nắng), mất trí nhớ...
Uống thuốc kháng cholinergic với rượu hoặc uống quá nhiều thuốc kháng cholinergic có thể dẫn đến các triệu chứng quá liều, chẳng hạn như: Chóng mặt, buồn ngủ cực độ, sốt, ảo giác nặng, khó thở, tim đập nhanh... và có thể dẫn đến tử vong. Nếu gặp các triệu chứng này, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Trước khi kê đơn các thuốc kháng cholinergic, bác sĩ phải xem xét rất thận trọng về tuổi, tình trạng sức khỏe (để kê đơn thuốc phù hợp) và các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng (để tránh các tương tác bất lợi do dùng nhiều thuốc cùng lúc)... Vì vậy, đây là các thuốc mà người bệnh không được tự ý mua về dùng.
Thận trọng dùng cho người cao tuổi
Đối với người cao tuổi, hệ thống thần kinh trung ương rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc nói chung và các thuốc kháng cholinergic nói riêng, do sự suy giảm đáng kể các tế bào thần kinh cholinergic hoặc các thụ thể trong não của những người lớn tuổi. Ngoài ra, khả năng phân hủy và bài tiết thuốc của gan và thận giảm; sự gia tăng tính thấm hàng rào máu não cho phép thuốc dễ dàng xâm nhập vào não hơn, là những yếu tố chính gây ra tác dụng phụ kháng cholinergic ở đối tượng này.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng lâu dài thuốc kháng cholinergic ở người cao tuổi làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm kháng cholinergic, thuốc chống loạn thần, thuốc chống Parkinson và thuốc chống động kinh có liên quan đến tăng nguy cơ này cao nhất. Các thuốc này có thể gây lú lẫn hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lú lẫn của bệnh nhân. Nguy cơ này cũng tăng theo số lượng thuốc kháng cholinergic bệnh nhân sử dụng.
Do nguy cơ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi nên phải rất thận trọng sử dụng: Bắt đầu điều trị với liều thấp và từ từ nâng đến liều thấp nhất có hiệu quả. Đồng thời, cần cân nhắc kiểm tra định kỳ khả năng nhận thức của bệnh nhân dùng thuốc với bất kỳ mục đích điều trị nào, kể cả những bệnh lý không liên quan đến thần kinh.
Ngoài ra, có thể giảm nguy cơ của thuốc kháng cholinergic bằng cách dùng các thuốc thay thế không có đặc tính kháng cholinergic. Những người đang uống các loại thuốc này không được ngừng thuốc đột ngột, vì điều này sẽ gây hại nhiều hơn. Nếu người bệnh lo ngại về những bất lợi của thuốc cần trao đổi với bác sĩ để hiểu về những ưu nhược điểm của việc điều trị mà mình đang nhận được. Nếu gặp bất lợi, cần thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn khắc phục hoặc có biện pháp ứng phó kịp thời, thích hợp.