Thuốc kê đơn được bán online tràn lan, kiểm soát thế nào?

27-01-2024 06:35 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia, thuốc kê đơn là thuốc nếu sử dụng không theo đúng chỉ định có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ người dùng. Vì vậy, khi cấp phát hay bán lẻ, sử dụng cho người bệnh ngoại trú phải theo đơn thuốc.

Cần sớm có cơ chế kiểm soát livestream bán thuốcCần sớm có cơ chế kiểm soát livestream bán thuốc

SKĐS - Trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện tràn lan các livestream, quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Theo các chuyên gia, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Hệ lụy thuốc kê đơn được bán tràn lan

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin chào bán thuốc kê đơn, thuốc đặc trị. Tại các hội, nhóm chợ thuốc công khai rao mua, bán các loại thuốc, trong đó có không ít thuốc điều trị phải kê đơn từ bác sĩ. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Thông tư số 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định rõ hai danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc, đó là các loại thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ và các loại thuốc bán không cần đơn thuốc.

Dù đã có quy định, nhưng trên thực tế, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng mà không cần bất kỳ đơn thuốc nào.

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm cao áp Oxy Việt Nga (Bộ Quốc Phòng) cho biết, thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc. Trong khi đó, thuốc kê đơn là thuốc được bác sĩ chỉ định sau quá trình thăm khám, dựa vào bệnh lý, tình trạng cụ thể để đưa ra đơn thuốc phù hợp với người bệnh. Trường hợp sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe người bệnh. Vì vậy, khi cấp phát hay bán lẻ, sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú phải kèm theo đơn thuốc.

Thuốc kê đơn được bán online tràn lan, kiểm soát thế nào?- Ảnh 2.

BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm cao áp Oxy Việt Nga (Bộ Quốc Phòng).

Theo BS Hoàng, ngoài việc người mua thuốc không hiểu hết tác hại của việc dùng thuốc kê đơn, hiện nay cũng có nhiều người bán thuốc tùy tiện. Dù không phải nhân viên y tế nhưng chỉ cần nghe người bệnh mô tả về triệu chứng là có thể bán các loại thuốc mà không tuân thủ đúng quy định về kê đơn của Bộ Y tế.

"Đơn cử việc uống thuốc giảm đau khiến người bệnh giảm triệu chứng tuy nhiên bệnh vẫn tiến triển và có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng do chậm trễ trong điều trị như viêm tụy cấp, viêm ruột thừa… Ngoài ra, rất nhiều loại thuốc có thể gây dị ứng, sốc phản vệ… nếu không có sự giám sát của bác sĩ khi dùng. Bên cạnh đó, các loại thuốc dùng lâu có thể gây ra nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đặc biệt nguy hiểm là các loại thuốc có chứa corticoid dùng trong điều trị đau nhức", BS Hoàng cho hay.

Cùng quan điểm, ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng, Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị cho rằng, mỗi người bệnh là một cá thể hóa khác nhau, không phải được chẩn đoán mắc cùng một bệnh lý sẽ được sử dụng đơn thuốc giống nhau, bởi có những người sẽ mắc bệnh lý đi kèm. Do đó, các bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa các bệnh để kê đơn thuốc, liều lượng tính trên trọng lượng cơ thể của mỗi người là khác nhau bên cạnh đó còn phải dựa trên cả đáp ứng của bệnh nhân với từng loại thuốc.

Thuốc kê đơn được bán online tràn lan, kiểm soát thế nào?- Ảnh 3.

ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng, Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị.

Theo BS Hằng, khi người dân thông qua việc quảng cáo, mua bán thuốc qua mạng xã hội sẽ gây ra các vấn đề như sử dụng thuốc mà không biết liều lượng phù hợp với cơ thể hay những loại thuốc đấy có ảnh hưởng đến các bệnh lý kèm theo hay không, khả năng dung nạp thuốc vào cơ thể như thế nào (?!). Ngoài ra, khi mua thuốc kê đơn qua mạng xã hội, người bệnh sẽ không có sự theo dõi, giám sát của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Điều này có nguy cơ dẫn đến việc không phát hiện ra các bất thường, tác dụng phụ của thuốc, từ đó dẫn đến ảnh hưởng tới chức năng gan, thận của người bệnh.

"Trong quá trình thăm khám tại Khoa, có bệnh nhân mới chỉ 40 tuổi thường xuyên bị đau lưng và tự ý mua thuốc giảm đau để uống và uống thường xuyên không có sự giám sát của bác sĩ và cũng không tới cơ sở y tế để thăm khám. Sau một thời gian dài tự ý sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân thấy mệt mỏi và đến viện khám đã phát hiện ra bệnh suy thận giai đoạn cuối không thể hồi phục", ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng.

Cần có cơ kế kiểm soát phù hợp việc bán thuốc online

Vừa qua Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương), nhưng không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm.

Thuốc kê đơn được bán online tràn lan, kiểm soát thế nào?- Ảnh 4.

Dự kiến nhiều điểm mới trong kinh doanh thuốc online sẽ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm cao áp Oxy Việt Nga (Bộ Quốc Phòng) cho rằng, cần sớm có các văn bản pháp lý quy định việc bán thuốc qua mạng xã hội, bởi không thể tránh được những bất thường hoặc sự cố xảy ra. Trong trường hợp này, cần phải quy rõ trách nhiệm quản lý thuộc bên nào.

"Đơn cử trường hợp trong quá trình vận chuyển thuốc từ người bán đến tay người mua, sẽ có những yếu tố về bảo quản thuốc không được đảm bảo dẫn tới việc thay đổi chất lượng thuốc gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Chưa kể các vấn đề khác như kiểm định chất lượng thuốc, tráo hàng, hạn sử dụng của thuốc… lúc này việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng sẽ được đảm bảo như thế nào (!?)", BS Hoàng nhận định.

Ngoài ra, BS Hoàng cho rằng, việc bán thuốc online cũng là một nhu cầu thực tế, trong một số trường hợp đặc biệt như người già neo đơn, gia đình ít người… khiến người bệnh không thể tới hiệu thuốc hay bệnh viện để mua thuốc/thăm khám. Cần có cơ chế giải quyết nhu cầu chính đáng này của người bệnh, tuy nhiên phải có quy định rất rõ ràng về luật pháp, hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các bên.

Liên quan tới việc các cơ quan đang chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật Dược, trong đó có quy định cấm bán dược phẩm trên MXH, livestream trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết ông rất tán thành. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, khi sửa đổi phải có tầm nhìn xa hơn bởi có thể một thời gian nữa các hình thức bán hàng trực tuyến có thể phát triển mạnh mẽ, thay đổi rất nhiều.

"Chúng ta không cấm bán hàng qua mạng nhưng phải đưa vào khuôn khổ, trật tự, có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt bởi thuốc là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Quá trình ra đời Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn