Hà Nội

Thuốc ho từ dược liệu có an toàn?

17-09-2019 07:02 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ho là phản ứng của cơ thể để bài tiết những dị vật ra ngoài cơ thể và làm sạch đường hô hấp. Khi bị ho, một trong những loại thuốc có thể sử dụng là các loại thuốc ho từ dược liệu...

Khi tiết trời trở lạnh nhưng vẫn xen kẽ những đợt nắng và gió mùa Đông Bắc nên rất nhiều người bị ảnh hưởng của khí lạnh lên đường hô hấp. Thời tiết chuyển mùa ngay trong một ngày tối lạnh, trưa nắng đã làm con người dễ bị nhiễm lạnh hoặc dị ứng thời tiết nên dễ bị ho dai dẳng.

Một trong các loại thuốc ho người bệnh có thể dùng là các thuốc trị ho có nguồn gốc từ tự nhiên, tức là các thuốc có thành phần là dược liệu, cây cỏ, khoáng vật... Dạng thuốc đang được nhiều người dùng hiện nay là thuốc si-rô ho hoặc viên ngậm trị ho mà thành phần là các dược liệu truyền thống. Hiện nay, nhiều sản phẩm Đông dược trị ho được bào chế theo phương pháp hiện đại của công nghiệp dược phẩm cho ra thị trường các sản phẩm bắt mắt để uống hoặc ngậm dạng kẹo cứng (lozenger) nhằm tăng thêm sự tiện dụng cho người dùng.

Nguyên lý của các dạng thuốc ho Đông dược

Thuốc ho Đông dược thường được sản xuất dựa trên các bài thuốc cổ truyền trong dân gian kết hợp các dược liệu để các vị thuốc bổ trợ cho nhau, hiệp đồng tác dụng với nhau, thuốc vừa có tả và bổ, nâng cao tác dụng nên không chỉ điều trị triệu chứng mà còn dưỡng tâm bổ phế, nâng cao thể trạng dẫn đến điều trị bệnh từ gốc, trong khi thuốc ho tân dược thường chỉ có tác dụng “tả”, điều trị triệu chứng tức thì.

Thuốc ho từ dược liệu có an toàn?Các loại dược liệu thường có trong thuốc ho thảo dược.

Các thành phần dược liệu có trong các loại thuốc ho

Các vị thuốc dược liệu phối hợp trong các loại thuốc trị ho Đông dược ở cả hai sản phẩm siro và viên kẹo ngậm đều có nhiều dược liệu dạng cao từ bài thuốc cổ truyền và gia các dược liệu trị ho quen thuộc như các loại ô mai, chanh muối, vỏ quýt, mật ong... Các vị thuốc trừ ho, hóa đờm cổ truyền như xuyên bối mẫu, tỳ bà diệp, cát cánh, bán hạ, trần bì, gừng tươi... vừa có các vị thuốc giúp bổ phế, sinh tân dịch, điều hòa tỳ vị... như sa sâm, phục linh, ngũ vị tử.

Khi gia các vị thuốc như ô mai giúp nhuận khí chỉ ho, hay mật ong là vị thuốc bổ dưỡng thì công hiệu vừa bổ, vừa tả của phương thuốc lại được tăng thêm nhiều phần. Nhờ đó, phương thuốc dùng chữa trị nhiều chứng ho khác nhau, đặc biệt các chứng ho mạn tính, ho dai dẳng lâu ngày, ho tái đi tái lại nhiều lần...

Thuốc ho Đông dược nhìn chung không độc hại, có dạng bào chế thích hợp để đảm bảo thuốc có tác dụng tối ưu phù hợp với cơ địa người Việt và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm vùng Đông Nam Á. Người bị ho nên ưu tiên dùng thuốc ho có thành phần là các dược liệu để tăng cao tính an toàn, hiệu quả mà lại kinh tế trong việc sử dụng thuốc.

Một số lưu ý khi dùng thuốc ho Đông dược

Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc ho dược liệu được làm từ những nguồn nguyên liệu với nguồn gốc khác nhau. Khi lựa chọn, nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc chiết xuất sản phẩm, có thể kiểm tra ngay những thông tin tiêu chuẩn chất lượng của thuốc được in trên bao bì theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và WHO.

Thuốc ho Đông dược thường có tác dụng chậm nhưng bền, ít độc hại, nhìn chung nó nhiều ưu điểm hơn thuốc Tây y. Tuy nhiên, một số loại thuốc ho thảo dược cũng có chống chỉ định cho một số đối tượng, chẳng hạn như thuốc ho slaska không dùng cho những người mẫn cảm với thành phần của thuốc, người suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, trẻ em dưới 1 tuổi. Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ chỉ dùng cho trẻ em từ 30 tháng tuổi trở lên.

Trong thành phần của si-rô ho hay kẹo ngậm thường có một lượng đường nhất định  nên người bệnh đái tháo đường, người thừa cân, béo phì... cần tránh dùng các loại thuốc ho này lâu dài vì có thể gây ảnh hưởng xấu tới bệnh đái tháo đường, thừa cân, béo phì...  đang mắc phải. Tốt nhất người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các loại thuốc ho Đông dược để sử dụng đúng loại thuốc ho phù hợp với thể trạng của mình.

Tuy thuốc ho dược liệu có nhiều ưu điểm nhưng trong một số trường hợp như ho do các bệnh viêm mũi xoang, do viêm phế quản, viêm phổi... mà người bệnh cứ dùng thuốc ho thảo dược không điều trị các bệnh chính gây ra triệu chứng ho thì rất nguy hiểm.


ThS. Lê Quốc Thịnh
Ý kiến của bạn