Ngày nay số cặp vợ chồng gặp khó khăn về sinh con tăng lên không ngừng. Các trung tâm hỗ trợ sinh sản ở nước ta đang phải chịu nhiều áp lực để đáp ứng nhu cầu này. Thế nhưng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn còn chưa hiểu rõ về các thuốc hỗ trợ sinh sản và các sự cố có thể gặp khi sử dụng thuốc.
Hiếm muộn là khi không có khả năng thụ thai sau 1 năm có quan hệ tình dục không bảo vệ ở những phụ nữ dưới 35 tuổi, hay sau 6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi hay không thể mang thai đến đủ tháng. Nếu bị hiếm muộn, không nên chờ đợi mà cần gặp thầy thuốc ngay.
Hình ảnh mô phỏng tinh trùng đến gặp trứng để làm tổ. |
- Rụng trứng không thường xuyên (phải kích thích để trứng rụng).
- Buồng trứng đa nang: dùng metformin có tác dụng tốt nhưng nếu vẫn không có thai được sau nhiều chu kỳ thì thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) thích hợp hơn.
- Lạc nội mạc tử cung: cho thuốc ức chế rụng trứng sau đó soi ổ bụng để loại bỏ nang và hủy diệt ổ lạc nội mạc tử cung. Nếu sau 6 tháng vẫn không có thai thì điều trị thêm với phương pháp khác như dùng thuốc kích thích rụng trứng để tăng cơ may có thai hay TTTÔN.
- Bệnh ở vòi trứng: nếu bệnh ở vòi trứng nghiêm trọng thì TTTÔN là phương pháp hiệu quả hơn. Cắt bỏ vòi trứng ứ nước qua soi ổ bụng trước khi làm TTTÔN sẽ thuận lợi hơn để đạt được kết quả.
- Chồng có ít tinh trùng: có thể điều trị để nâng cao chất lượng tinh trùng. Nếu quá ít tinh trùng thì cách duy nhất là tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng để tạo phôi. Sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung.
- Khi không còn trứng ở buồng trứng và tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng thì phải xin trứng và tinh trùng của người cho.
Thuốc kích thích rụng trứng là những thuốc gì?
Mục đích của kích thích rụng trứng là giúp cho hiện tượng rụng trứng ở phụ nữ diễn ra hàng tháng. Để rụng trứng, cần có vai trò của cả một trục bắt đầu từ tác động qua lại giữa vùng dưới đồi và tuyến yên. Hormon tự nhiên do vùng dưới đồi tiết ra (GnRH) báo cho tuyến yên tiết ra hormon kích thích nang noãn phát triển (gọi là FSH) và hormon tạo thể vàng (gọi là LH); hai hormon này của tuyến yên tác động đến buồng trứng để tiết ra hormon estrogen, progesteron và làm cho nang noãn vỡ ra, giải phóng trứng nên gọi là rụng trứng (hay phóng noãn). Ở nam giới, hormon tuyến yên kích thích tạo ra tinh trùng.
Những thuốc thường dùng để tăng khả năng thụ thai có nhiều loại nhưng tác dụng chính là kích thích buồng trứng tạo ra nhiều nang noãn, làm cho nang noãn chín và vỡ ra để trứng phóng ra ngoài.
- Loại thuốc tác động đến não để tiết ra nhiều hormon kích thích buồng trứng: clomiphene citrate (tên biệt dược là clomid, serophene).
- Loại kích thích buồng trứng tạo ra nhiều nang noãn hơn và nhờ thế tăng số lượng trứng: hMG (humegon, pergonal...).
- Loại có tác dụng làm cho các nang noãn chín và kích thích nang vỡ để phóng ra trứng: hCG (profasi, pregnyl).
- Loại chuẩn bị nội mạc tử cung để phôi làm tổ: progesteron, tiêm bắp hay viên nang đặt âm đạo.
- Loại thuốc tác động đến não để triệt tiêu sự tiết ra hormon ngăn cản nang noãn phát triển và rụng trứng. Thường phối hợp với các thuốc khác để kiểm soát tốt hơn chu kỳ của phụ nữ.
Thuốc kích thích rụng trứng có thể gây ra biến chứng gì?
Quan trọng nhất là hội chứng quá kích buồng trứng, tiếp theo là đa thai (hơn 2 thai).
Các biến chứng khác do buồng trứng to ra, có thể bị xoắn, bị chảy máu hay vỡ và phải can thiệp phẫu thuật.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Đó là trạng thái bệnh lý khi nhiều nang noãn ở buồng trứng cùng phát triển và gây ra sự ứ dịch trong bụng (gây ra chướng bụng), đôi khi có dịch cả trong lồng ngực (gây khó thở). Đôi khi cần phải vào viện để rút nước trong ổ bụng hay trong lồng ngực. Điều trị bằng truyền dung dịch đạm (albumin) có tác dụng tốt.
Đa thai
Là lo lắng của nhiều phụ nữ điều trị hiếm muộn. Những thai phụ đa thai (3 thai trở lên) dễ đẻ non (trước 37 tuần ), nhẹ cân so với tuổi thai (dưới 2.500g, thậm chí dưới 1.500g) nên tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao hơn; việc chăm sóc cho những trẻ nhẹ cân cũng tốn kém và phải theo dõi lâu dài hơn.
Sự cố sinh đa thai sau dùng thuốc kích thích rụng trứng có thể do:
- Loại thuốc kích thích rụng trứng: trong những chu kỳ dùng thuốc, tỷ lệ đa thai đến 30%, so với tỷ lệ đa thai 1- 2% ở những thai nghén không dùng thuốc.
- Tuổi của người mẹ: tỷ lệ sinh nhiều thai tăng theo tuổi mẹ, với các bà mẹ ở nhóm tuổi 35 – 39 thì tỷ số này tăng từ 48 lên 403. Các thầy thuốc khuyên: phụ nữ sau khi lập gia đình nên có con trước 35 tuổi, tốt nhất trước 30 tuổi; khi đã xấp xỉ 35 tuổi mà chậm có con nên đi điều trị sớm. Nếu cần xin trứng thì xin trứng người trẻ và làm TTTÔN với tinh trùng của chồng. Người vợ vẫn có thể mang thai và sinh đẻ bình thường.
BS. Xuân Anh