Hà Nội

Thuốc ho recotus và hệ lụy khi sử dụng sai

04-05-2017 15:02 | An toàn dùng thuốc
google news

Thời gian qua có nhiều thông tin về việc học sinh sử dụng thuốc ho recotus phải vào viện cấp cứu… làm cho các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng? Vậy recotus là loại thuốc gì và vì sao một số học sinh lạm dụng loại thuốc này?

Thời gian qua có nhiều thông tin về việc học sinh sử dụng thuốc ho recotus phải vào viện cấp cứu… làm cho các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng? Vậy recotus là loại thuốc gì và vì sao một số học sinh lạm dụng loại thuốc này?

Thành phần của thuốc

Recotus là thuốc trị ho đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành với ba thành phần chính là dextromethorphan HBr 30mg, diprophillin HCl 100mg và lysozym 20mg.

Dextromethophan: Là thuốc giảm ho, có cấu trúc hóa học liên quan đến morphin, tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Chất này tuy ít gây nghiện như morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc), nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc.

Dextromethophan được dùng để giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kích thích. Thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị ho mạn tính, không có đờm (thuốc không có tác dụng long đờm).

Thuốc ho recotus và hệ lụy khi sử dụng sai 1
Thuốc ho recotus nếu sử dụng không đúng có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm. Ảnh: TL

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm: mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, đỏ bừng… Với liều điều trị, thuốc có tác dụng tốt trong điều trị ho (tác dụng chống ho của thuốc kéo dài được 5-6 giờ), nhưng với liều cao và rất cao thuốc có thể gây ức chế thần kinh trung ương, có hành vi kỳ quặc, ảo giác, mất điều hòa (do ngộ độc) và suy hô hấp.

Diprophyllin HCl: Là dẫn xuất của theophyllin. Đây là thuốc giãn phế quản, có tác dụng làm giãn cơ trơn, nhất là cơ phế quản, kích thích hệ thần kinh trung ương, kích thích cơ tim và tác dụng trên thận như một thuốc lợi tiểu. Không dùng thuốc cho các trường hợp quá mẫn với bất cứ một thành phần nào của chế phẩm thuốc, bệnh loét dạ dày - tá tràng đang hoạt động, co giật, động kinh không kiểm soát được. Dùng thận trọng theophylin cho người có đau thắt ngực hoặc thương tổn cơ tim vì khi cơ tim bị kích thích có thể có hại. Theophylin có thể gây loạn nhịp hoặc làm xấu thêm loạn nhịp có sẵn, nên bất cứ một thay đổi đáng kể nào về tần số hoặc nhịp tim đều cần theo dõi điện tâm đồ và các thăm khám khác.

Khi dùng theophyllin có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như nhịp tim nhanh. Trên thần kinh trung ương gây kích động, bồn chồn. Trên hệ tiêu hóa gây buồn nôn, nôn. Đây là những tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc này. Theophylin gây kích ứng dạ dày - ruột và kích thích hệ thần kinh trung ương với bất kỳ đường cho thuốc nào. Những tác dụng không mong muốn về thần kinh trung ương thường nghiêm trọng hơn ở trẻ em so với người lớn.

Biểu hiện ngộ độc theophylin có nhiều khả năng xảy ra nhất khi nồng độ theophylin huyết thanh vượt quá 20microgam/ml. Chán ăn, buồn nôn và thỉnh thoảng nôn, tiêu chảy, mất ngủ, kích thích, bồn chồn và nhức đầu thường xảy ra. Những triệu chứng phân biệt về ngộ độc theophylin có thể gồm hành vi hưng cảm kích động, nôn thường xuyên, khát cực độ, sốt nhẹ, ù tai, đánh trống ngực và loạn nhịp. Co giật có thể xảy ra mà không có những triệu chứng báo trước khác về ngộ độc và thường dẫn đến tử vong.

Lysozyme: Là một men có đặc tính kháng khuẩn trên các mầm bệnh gram dương. Ngoài ra, lysozyme còn có tác dụng củng cố hệ miễn dịch ở thể dịch và ở các tế bào tại chỗ, đồng thời tham gia vào phản ứng kháng viêm do có tác động kháng histamin. Tác dụng kháng viêm của thuốc bằng cách làm bất hoạt các yếu tố gây viêm trong tổ chức (như protein và peptid) bằng cách tạo thành các phức hợp. Thuốc còn có tác dụng kháng virut (do lysozyme là chất mang điện dương và tác dụng phụ trợ bằng cách hoặc tạo nên phức hợp với các virut mang điện âm hoặc bảo vệ tế bào chống lại sự xâm nhập của virut). Thuốc được chỉ định trong trường hợp khó bài xuất đờm, viêm xoang mạn tính… Tác dụng phụ của thuốc thường xảy ra như tiêu chảy, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, ợ hơi.

Thuốc ho recotus và hệ lụy khi sử dụng sai 2
Điều trị cho các học sinh bị ngộ độc thuốc ho recotus ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Dương

Và hệ lụy khi lạm dụng

Sự kết hợp của ba hoạt chất này trong chế phẩm mang tên recotus có tác dụng tốt trong điều trị các trường hợp: Ho do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, lao… Ho do hút thuốc quá nhiều, hít phải các chất kích thích. Người lớn uống 1 viên sau mỗi 6 - 8 giờ. Không được dùng quá 4 viên/ngày. Trẻ em 6 - 12 tuổi, mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 2 lần (không dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi).

Cần lưu ý, khi sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc trong tờ hướng dẫn dùng thuốc (có trong hộp thuốc), thuốc có tác dụng tốt trong điều trị ho, nhưng vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc (ngay ở liều điều trị). Đặc biệt thuốc có thể gây buồn ngủ nên cần thận trọng khi dùng cho những người lái tàu, xe, vận hành máy, thiết bị… đòi hỏi cần phải có sự tỉnh táo.

Nếu lạm dụng thuốc, dùng sai mục đích: trốn học bài (do buồn ngủ), hoặc nghĩ rằng thuốc có thể làm tăng hưng phấn trong học tập như một số học sinh đã làm… rồi uống với liều cao, mách nhau cùng uống thì nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc và nguy cơ bị ngộ độc thuốc sẽ tăng lên với các triệu chứng như: buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong…

Như vậy, thuốc được sản xuất ra để điều trị bệnh phải sử dụng đúng chỉ định, liều lượng và thời gian dùng sẽ có tác dụng điều trị bệnh tốt nhưng nếu lạm dụng, lợi dụng "mặt trái" của thuốc để sử dụng vào mục đích riêng sẽ biến một loại thuốc ho thông thường trở thành chất độc hại và hệ lụy sẽ khó lường.


Dược sĩ Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn