Thuốc hay chữa chứng đau đầu ở phụ nữ sau sinh

04-10-2018 06:09 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo y học cổ truyền, chứng đau đầu ở phụ sản sau sinh có bệnh danh “đầu đông”. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sức yếu, sinh con sau 35 tuổi, nghiện ma túy.

Theo y học cổ truyền, chứng đau đầu ở phụ sản sau sinh có bệnh danh “đầu đông”. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sức yếu, sinh con sau 35 tuổi, nghiện ma túy, rượu, thuốc lá hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn đông máu... Trong quá trình sinh đẻ bị mất sức, mất máu lại cảm nhiễm phong tà hoặc huyết hôi có tích độc trong cơ thể bốc lên phía trên cũng gây bệnh nhức đầu.

Nếu bệnh do huyết ra nhiều quá thì thỉnh thoảng đầu lại nhức, sáng nhẹ chiều nặng, lúc đau lúc đỡ; hai bên thái dương đau, xương mí mắt cũng đau, sắc mặt vàng, người không nóng, không lạnh. Bệnh để lâu không chữa ngay thì người yếu lại càng yếu thêm, bệnh nhức đầu mãi mãi không khỏi, thành bệnh đầu phong.

Nếu bệnh do huyết hôi ứ đọng thì nhức đầu cũng sáng nhẹ chiều nặng, lúc đau lúc đỡ; nhưng thái dương và mí mắt không đau, người vẫn như thường, không gầy yếu lắm, trong bụng đầy và đau. Bệnh để lâu không chữa ngay thì đầu cứ nhức mãi, bệnh ngày càng nặng thêm, đột nhiên ngã nhào, chân tay co quắp, thành bệnh trúng phong.

Hồng táo là vị thuốc trong bài “Bát trân thang” tác dụng bổ khí huyết, rất tốt cho chị em sau khi sinh bị đau đầu.

Một số bài thuốc trị bệnh:

Bệnh do huyết ra quá nhiều, dùng bài: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, xuyên khung 12g, cam thảo 12g, gừng tươi 3 lát, hồng táo 3 quả, mạn kinh tử 12g. Sắc 6 bát còn 2 bát, chia uống 2 lần.

Nếu thái dương, mí mắt không đau tức là không có ngoại phong, dùng bài: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, xuyên khung 24g, cam thảo 12g, gừng tươi 3 lát, hồng táo 3 quả.

Bệnh do huyết hôi ứ đọng mà sinh ra, dùng bài: xuyên khung 8g, đương quy 120g. Tán bột, mỗi lần uống 10g, sắc với 1 bát nước và 2 chén rượu, lấy nửa bát uống nóng 1 lần.

Nếu thái dương và mí mắt cũng đau là có ngoại phong, dùng bài: xuyên khung 8g, đương quy 120g, mạn kinh tử 120g. Tán bột, mỗi lần uống 10g, sắc với 1 bát nước và 2 chén rượu, lấy nửa bát uống nóng 1 lần.

Lưu ý: Chị em nên kiêng ăn các thức ăn (hay động phong) như thịt gà, ngan, dê, cua, cá bể, cũng như những món bổ béo và thức ăn cay, nóng, thơm, hay kích thích như hồ tiêu, cà phê... Bệnh tuy khỏi nhưng người khí huyết đều hư, sắc mặt vàng nhợt, tinh thần mệt mỏi, nên cho dùng hằng ngày bài thuốc “Bát trân thang”: nhân sâm 8g, bạch linh 12g, thục địa 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, cam thảo 8g, đương quy 12g, hồng táo 5 quả, sinh khương 5 lát. Sắc uống ngày 1 thang.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn