Thuốc giúp tăng trí nhớ

14-12-2015 09:49 | Y học cổ truyền
google news

Có một trí nhớ tốt là mơ ước của mọi người nhất là học sinh, sinh viên và những người lao động trí óc, đặc biệt là những người đứng trên bục giảng.

Có một trí nhớ tốt là mơ ước của mọi người nhất là học sinh, sinh viên và những người lao động trí óc, đặc biệt là những người đứng trên bục giảng. Nhưng, vì nhiều lý do khác nhau như thiên bẩm, thể chất, tuổi tác, môi trường sống, điều kiện giáo dục, chế độ ăn uống... nên khả năng ghi nhớ của mỗi người cũng khác nhau. Để  bảo vệ và tăng trí nhớ, thuốc cổ truyền cũng đóng một vai trò quan trọng.

Viễn chí: Ở nước ta có tới 11 loài viễn chí được dùng làm thuốc. Bộ phận dùng là vỏ của rễ. Rễ được ủ mềm, rút bỏ lõi, rồi đem chích với nước sắc cam thảo hoặc sao vàng... Viễn chí có tác dụng ích trí, an thần,  dùng trong các trường hợp tâm thần bất an, trí nhớ suy giảm, hay quên. Ngoài ra còn có tác dụng hóa đờm chỉ ho, khai khiếu, làm thính tai, sáng mắt. Có thể phối hợp với một số vị thuốc khác để giúp cho trí nhớ minh mẫn hơn: Viễn chí, đảng sâm, bạch truật, liên nhục, long nhãn, hắc táo nhân, mạch môn, mỗi vị 10g, sắc uống, ngày một thang, uống liền 3 tuần lễ. Bài này thích hợp cho những người kém ăn, kém ngủ mà trí nhớ suy giảm.

Hoặc viễn chí, liên tâm, táo nhân (sao đen), thảo quyết minh (sao đen), mạch môn, huyền sâm, chi tử, mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang. Uống liền 3 tuần. Bài này thích hợp cho những người cơ thể ở trạng thái nhiệt, háo khát, táo bón, tâm hồi hộp, mất ngủ trí nhớ suy giảm.

Lưu ý: Những người có thai không nên dùng các bài thuốc có viễn chí vì thành phần saponin trong viễn chí có tác dụng gây co thắt tử cung, dễ ảnh hưởng đến thai nhi.

Long nhãn.

Long nhãn: Là cùi quả, có tác dụng ích trí, an thần, được dùng trong các trường hợp trí nhớ suy giảm, hay quên. Còn có tác dụng bổ huyết, dùng khi cơ thể thiếu máu, da xanh, gầy. Khi dùng có thể phối hợp với hoàng kỳ, đương quy... hoặc phối hợp với cao ban long trong cổ phương "Nhị long ẩm": Long nhãn 32g, cao ban long 32g. Cách dùng: long nhãn nấu kỹ với nước, vắt lấy một bát nước (300 ml), nhân lúc còn nóng, cho các miếng cao ban long vào, quấy cho tan đều. Uống ấm, cách 2 ngày uống một lần. Phương thuốc này tốt cho những người trí nhớ suy giảm, hay quên, kém ăn, kém ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm, hay sốt về chiều, đại tiện táo kết, sắc mặt vàng vọt, da khô, phụ nữ lượng kinh nguyệt ít.

Nhân sâm: Là vị thuốc bổ khí, đứng đầu trong 4 vị quý nhất của Đông y (sâm, nhung, quế,  phụ), có tác dụng "định thần ích trí", tức làm cho tinh thần  ổn định và tăng trí nhớ, giúp  tăng sức đề kháng của cơ thể. Dùng dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc, thuốc rượu, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong cổ phương "Thiên vương bổ tâm đan": nhân sâm 8g, sinh địa 6g, đan sâm 8g, huyền sâm 8g, bạch linh 8g, ngũ vị tử 12g, cát cánh 8g, đương quy 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, bá tử nhân 12g, toan táo nhân (sao đen) 12g. Phương này có thể bào chế dưới dạng viên hoàn,  ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần  12-16 g, uống với nước ấm, hoặc dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang. Uống 2 tuần liền. Phương thuốc thích hợp cho những trường hợp tâm huyết bất túc, tinh thần bất an, thiếu máu, tim hồi hộp, mất ngủ, hay quên, trí nhớ suy giảm.
Lưu ý: Những người hay sôi bụng, đi ngoài phân nát không nên dùng phương thuốc này.


GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn