Hà Nội

Thuốc giảm tiết acid dạ dày làm tăng nhiễm trùng

14-04-2017 07:23 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Trong đường ruột có đến hàng nghìn loại vi khuẩn sinh sống, hầu hết là vô hại và hữu ích để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Trong đường ruột có đến hàng nghìn loại vi khuẩn sinh sống, hầu hết là vô hại và hữu ích để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, do nguyên nhân nào đó làm rối loạn cân bằng vi khuẩn, khiến vi khuẩn có lợi bị suy yếu và các vi khẩn có hại, nguy hiểm nhất là Clostridium difficile (C-diff) phát triển mạnh mẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm tại ruột. Bên cạnh nguyên nhân thường được biết đến do kháng sinh thì gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra các thuốc giảm tiết acid dạ dày cũng có thể gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao với các biểu hiện từ tiêu chảy đến viêm đại tràng, thậm chí đe dọa tính mạng.

BS. Sahil Khanna, chuyên khoa tiêu hóa tại Mỹ cho biết, trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí chuyên về nội khoa JAMA Internal Medicine rằng, sử dụng các thuốc ức chế acid dạ dày bao gồm các chất ức chế bơm proton (như omeprazole) và các thuốc chẹn histamin 2 (như ranitidine) trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày hoặc chứng khó tiêu có nguy cơ làm tăng tái phát nhiễm vi khuẩn C-diff, đặc biệt ở những bệnh nhân đã có tiền sử nhiễm vi khuẩn này. Để có được kết luận này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu trong 16 nghiên cứu với 7.703 bệnh nhân nhiễm C-diff và 1.525 bệnh nhân bị C-diff tái phát khác với kết quả tỷ lệ tái phát C-diff ở bệnh nhân sử dụng thuốc giảm tiết acid dạ dày là 22,1% so với 17,3% ở những bệnh nhân không sử dụng loại thuốc này.

Clostridium difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có khả năng gây ra viêm loét, sưng tấy và kích thích ruột già (đại tràng). Khi loại vi khuẩn này phát triển quá mức, người bệnh sẽ có những triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày... thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, BS. Khanna lưu ý các bác sĩ nội khoa tiêu hóa cần cẩn trọng khi kê đơn các loại thuốc này cho bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa để tránh tình trạng nhiễm khuẩn gia tăng do vi khuẩn C.diff hoạt động mạnh, đặc biệt ở những trường hợp đã từng nhiễm C.diff trước đây. Đối với người bệnh, khi khám bệnh lý tiêu hóa, nhất là do trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu, viêm loét dạ dày được bác sĩ kê đơn thuốc giảm tiết acid thì cần thông báo tình trạng có nhiễm C.diff trước đó hay không để được sử dụng thuốc hợp lý và an toàn.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn