Hà Nội

Thuốc giảm ho - Dùng thế nào cho an toàn?

01-01-2016 13:59 | Dược
google news

SKĐS - Ho là phản ứng tự vệ quan trọng của cơ thể để tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể gây cản trở đường thở.

Ho là phản ứng tự vệ quan trọng của cơ thể để tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể gây cản trở đường thở. Đây là triệu chứng của một số rối loạn trong cơ thể như cảm cúm, do kích ứng, dị ứng, hoặc một số bệnh như hen, viêm phế quản... Khi điều trị nguyên nhân gây bệnh sẽ hết ho. Tuy nhiên, nếu ho nhiều làm mất ngủ, mệt  mỏi...  ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần phải dùng thuốc để giảm ho.

Thuốc giảm ho codein

Là  một loại thuốc có cơ chế tác dụng tương tự morphin, tức là có tác dụng giảm đau và giảm ho. Tuy nhiên, codein được hấp thu tốt hơn ở dạng uống, ít gây táo bón và ít gây co thắt đường dẫn mật hơn so với morphin. Ở liều điều trị, ít gây ức chế hô hấp (60% thấp hơn so với morphin) và ít gây nghiện hơn morphin. Codein làm khô dịch tiết đường hô hấp và làm tăng độ quánh của dịch tiết phế quản và có tác dụng giảm ho do tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành não. Tuy nhiên, thuốc không đủ hiệu lực để giảm ho nặng và chỉ là thuốc giảm ho trong trường hợp ho khan làm mất ngủ. Tác dụng giảm ho xuất hiện trong vòng 1 - 2 giờ và có thể kéo dài 4 - 6 giờ.

 	Tư vấn cho người bệnh về tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc ho.

Tư vấn cho người bệnh về tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc ho.

Không dùng codein giảm ho cho người mẫn cảm với codein hoặc các thành phần khác của thuốc, trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, người mang thai, bệnh về phế quản khi cần phải khạc đờm...

Một số các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc này có thể xảy ra như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón, bí đái hoặc đái ít, thậm chí hạ huyết áp thế đứng. Một số trường hợp bị ngứa, mày đay, đau dạ dày hoặc co thắt đường mật. Nếu dùng thuốc liều cao trong thời gian dài có thể gây nghiện thuốc với các biểu hiện khi thiếu thuốc như: bồn chồn, run, co giật cơ, toát mồ hôi, chảy nước mũi; có thể gây lệ thuộc thuốc về tâm lý, về thân thể và gây quen thuốc.

Dextromethophan

Đây là thuốc thường được phối hợp với các thuốc khác như paracetamol, pseudoephedrin, clopheniramin trong một số chế phẩm trị ho, cảm lạnh. Dextromethophan được dùng giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kích thích. Thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị ho mạn tính, không có đờm (không có tác dụng long đờm). Hiệu lực của dextromethophan gần tương đương với hiệu lực của codein nhưng so với codein thì dextromethophan ít gây tác dụng phụ ở đường tiêu hóa hơn. Với liều điều trị, tác dụng chống ho của thuốc kéo dài được 5 - 6 giờ. Thuốc có độc tính thấp nhưng với liều rất cao có thể gây ức chế thần kinh trung ương.

Không dùng thuốc cho người quá mẫn với thuốc và các thành phần khác của thuốc có trong chế phẩm, người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) vì có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong. Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, những người bệnh có nguy cơ suy hô hấp.

Khi dùng dextromethophan, người dùng có thể thấy mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, đỏ bừng hoặc nổi mày đay (ít gặp hơn), ngoại ban (hiếm gặp hơn) hoặc thỉnh thoảng thấy buồn ngủ nhẹ, rối loạn tiêu hóa, hành vi kỳ quặc do ngộ độc, ức chế hệ thần kinh trung ương và suy hô hấp có thể xảy ra khi dùng liều cao. Cần thông báo cho người bệnh về tác dụng an thần gây buồn ngủ của thuốc, tránh dùng cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương và rượu.

Thuốc kháng histamin alimemazin

Là thuốc có tác dụng kháng histamin và kháng serotonin mạnh, có tác dụng giảm ho, an thần và chống nôn. Trong điều trị ho, thuốc dùng trong các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm (do tác dụng an thần của thuốc).

Không dùng thuốc này cho người rối loạn chức năng gan hoặc thận, động kinh, bệnh Parkinson, thiểu năng tuyến giáp, u tế bào ưa croom, bệnh nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt; người mẫn cảm với thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi... Thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, đặc biệt khi thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh (gây nguy cơ tăng hoặc hạ nhiệt). Cần báo cho người bệnh biết hiện tượng buồn ngủ trong những ngày đầu điều trị và không nên điều khiển xe và máy móc trong những ngày dùng thuốc. Người cao tuổi rất dễ bị giảm huyết áp thế đứng. Tránh dùng rượu hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác cùng với thuốc này.

Có thông báo thuốc gây vàng da và các triệu chứng ngoại tháp ở trẻ nhỏ mà người mẹ đã dùng thuốc này khi mang thai. Vì vậy, tránh dùng thuốc cho người mang thai, phụ nữ cho con bú.

Tần suất xảy ra các tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều và thời gian sử dụng, vào chỉ định điều trị. Thường gặp nhất là các biểu hiện mệt mỏi, uể oải, đau đầu, chóng mặt nhẹ; khô miệng, đờm đặc; táo bón. Đặc biệt, cần chú ý tới các triệu chứng như phản ứng ngoại tháp, giật run kiểu Parkinson, bồn chồn, rối loạn trương lực cơ cấp, rối loạn vận động muộn; khô miệng có thể gây hại răng và men răng, nguy cơ ngừng hô hấp, thậm chí gây tử vong đột ngột đã gặp ở trẻ nhỏ. Khi gặp các triệu chứng này cần thông báo cho bác sĩ biết để xử lý kịp thời, thích hợp.

DS. Hoàng Thu Thủy


Ý kiến của bạn
Tags: