Các thuốc giảm đau, chống viêm thường dùng như: paracetamol; các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen hay parecoxib, celecoxib, rofecoxib… hay các corticoid như: Prednisolon, cortisone, solumedrol, và hydrocortisone... Tùy thuốc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc dùng phù hợp.
Thuốc giảm đau paracetamol
Paracetamol là một thuốc giảm đau khá thông dụng, tương đối lành tính ở liều điều trị. Tuy nhiên, đôi khi người dùng có thể gặp những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay... Thuốc có thể gây độc cho gan (nhất là khi dùng liều cao, kéo dài).
Đối với paracetamol, uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Vì vậy, không uống paracetamol cùng với rượu. Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra, dùng đồng thời isoniazid (thuốc chống lao) với paracetamol cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan, nhưng chưa xác định được cơ chế chính xác của tương tác này. Vì vậy, những người bệnh đang dùng các thuốc trên không nên tự ý dùng paracetamol để giảm đau.
Khi dùng các thuốc trị đau viêm xương khớp cần đề phòng tương tác bất lợi.
Các thuốc chống viêm, giảm đau nhóm NSAID
Các tác dụng phụ của NSAID có thể từ nhẹ như kích ứng dạ dày đến nghiêm trọng bao gồm gây viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày và ruột (nên người trên 65 tuổi, cũng như những người có tiền sử loét hoặc xuất huyết tiêu hóa, nên sử dụng NSAID một cách thận trọng). Trong khi sử dụng thuốc nếu thấy có các biểu hiện sau đây thì phải ngừng thuốc ngay và báo cho thày thuốc biết. Đó là, dị ứng, ngứa mẩn, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng dữ dội (thủng dạ dày), chảy máu cam, chân răng, dưới da, lên cơn hen, choáng váng, chóng mặt… Khi dùng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài, phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện các tác dụng phụ, tai biến để kịp thời ngừng thuốc và xử trí.
Nhóm thuốc NSAID là thuốc trị triệu chứng nên ít khi được dùng một mình mà thường phối hợp với các thuốc khác (điều trị nguyên nhân) hoặc dùng cùng với các thuốc điều trị các bệnh khác. Một số tương tác bất lợi cần chú ý: Các NSAID có thể làm giảm tác dụng của thuốc trị huyết áp như captopril, thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc lợi tiểu furosemide; làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng các thuốc chống đông máu; tăng nguy cơ loét, thủng dạ dày khi dùng cùng với các thuốc corticoid…
Các thuốc chống viêm nhóm corticoid
Một số tác dụng phụ của corticoid có thể xảy ra như tăng sự thèm ăn, tăng cân... thường dừng lại khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài thuốc có thể gây rạn da, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng và đục thủy tinh thể... Cho đến nay, các corticoid vẫn là một nhóm thuốc quan trọng có phạm vi áp dụng điều trị rộng rãi. Để sử dụng an toàn và hiệu quả nhóm thuốc này, việc quan trọng là không tự dùng thuốc, hạn chế đến mức tối đa việc chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Khi bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Không được sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid khi bị nhiễm nấm hoặc virus. Phải theo dõi điều trị và theo dõi bệnh nhân cẩn thận trong và cả sau khi điều trị dài ngày, áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.
Thuốc corticoid có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Một số thuốc có thể gây tương tác bất lợi với corticoid như: Các NSAID (diclofenac, celecoxib, ibuprofen, indomethacin …), kháng sinh (clarithromycin), thuốc chống nấm (itraconazole, ketoconazole)...