Thuốc giả, nguy hại thật

17-06-2021 13:40 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả và thuốc kém chất lượng đang trở thành “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.”

Ngoài tác hại trực tiếp mà chúng gây ra, các loại thuốc giả là động lực chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc, thúc đẩy sự gia tăng của các loại siêu vi khuẩn. Đặc biệt trong những đợt đại dịch như COVID-19, tình trạng khan hiếm thuốc mở ra cánh cửa cho thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng thâm nhập thị trường.

Theo WHO, mỗi năm ước tính có khoảng 250.000 trẻ em trên khắp thế giới tử vong do thuốc sốt rét và viêm phổi giả. Vắc-xin, kháng sinh và các thiết bị y tế kém chất lượng hoặc bị giả mạo góp phần làm tăng thêm số ca tử vong.

Có tới 10% thuốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc kém chất lượng hoặc giả hoàn toàn, gây thiệt hại cho các nền kinh tế từ 10 - 200 tỷ USD 1 năm, vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông báo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện mẫu thuốc aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả.

Mẫu thuốc aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả.

Mẫu thuốc aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả.

Các thuốc bị làm giả phổ biến

Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những loại kháng sinh đắt tiền. Điển hình là thuốc Zinnat của hãng Glaxo Operations UK Ltd đã từng bị phát hiện bị làm giả tại TP.Hồ Chí Minh. Thuốc điều trị ung thư cũng thường được nhắm đến vì chúng mang lại lợi nhuận lớn và là một phân khúc đang phát triển nhanh vì đánh vào tâm lý tuyệt vọng của người bệnh. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) từng đưa ra cảnh báo rằng về một phiên bản giả mạo của thuốc điều trị ung thư. Thuốc giả được đóng gói trông giống iclusig, một loại thuốc chống ung thư được sử dụng để điều trị người lớn mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính và bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. FDA cho biết, viên thuốc này không chứa gì ngoài paracetamol, một loại thuốc giảm đau. Thuốc bị làm giả nhiều tiếp theo là thuốc điều trị rối loạn cương như viagra (sildenafil) và cialis (tadalafil).

Các loại thuốc phổ biến khác là: thuốc rối loạn lo âu như xanax (alprazolam) và ativan (lorazepam), thuốc giảm đau (acetaminophen và oxycodone), thuốc chữa bệnh lao, thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc giảm cholesterol (atorvastatin), thuốc tăng động giảm chú ý (ADHD)... cũng từng được cảnh báo có phiên bản giả mạo.

Hậu quả nguy hiểm và chết người

Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra và khó kiểm soát do không xác định chính xác thành phần hoạt chất có trong thuốc giả mà nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Các loại thuốc kháng sinh giả trên thị trường thường chứa sai loại kháng sinh hoặc liều lượng hoạt chất thấp... dẫn đến không chữa khỏi nhiễm trùng và góp phần vào việc kháng thuốc kháng sinh - một mối đe dọa ngày càng tăng và gây chết người trên khắp thế giới.

Theo các chuyên gia thì hoạt chất có trong thuốc chính là dược chất có tác dụng chữa bệnh, do không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng, hoặc chứa cả độc chất nên thuốc giả gây tác hại ghê gớm đến sức khỏe chúng ta. Ví dụ, thuốc kháng sinh cefuroxim 500mg, đáng lẽ phải chứa đủ 500mg dược chất cefuroxim, nhưng khi kiểm nghiệm lại không chứa dược chất, hoặc chứa thấp hơn mức quy định gọi là không đủ hàm lượng (bị quy là kém chất lượng và cũng xem là thuốc giả). Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn mà dùng thuốc kháng sinh giả thì không những không chữa được bệnh nhiễm khuẩn mà bệnh càng ngày càng nặng thêm.

Trước đây WHO cũng đã báo cáo có đến 700 tác dụng phụ từ những bệnh nhân ở Trung Phi dùng thứ thuốc mà họ nghĩ là diazepam, nhưng thực chất là thuốc chống loạn thần haloperidol. Những bệnh nhân uống nhầm haloperidol bị co thắt cấp tính của cơ mặt, cổ và lưỡi (một tác dụng phụ nguy hiểm được gọi là loạn trương lực cơ).

Đối với người mắc các bệnh mạn tính phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ đe dọa tới tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả và bệnh ngày một nặng hơn.

Theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.

Hoài An
Ý kiến của bạn