1. Viêm thanh quản là gì?
Thanh quản chứa tất cả các dây thanh âm và chịu trách nhiệm tạo ra và điều chế âm thanh (giọng nói). Nó cũng ngăn chặn thức ăn đi vào khí quản trong khi nuốt.
Viêm thanh quản là tình trạng viêm lan tỏa hoặc cục bộ của thanh quản để phản ứng với kích ứng mãn tính hoặc cấp tính do các tác nhân cơ học, hóa học, dị ứng hoặc nhiễm trùng gây ra. Kích ứng này thường dẫn đến đỏ và sưng (phù nề) ở bất kỳ phần nào của thanh quản. Thông thường, viêm thanh quản sẽ khỏi khi các chất gây kích ứng được loại bỏ.
Có hai loại viêm thanh quản
- Viêm thanh quản cấp tính: Viêm thanh quản trong thời gian ngắn.
- Viêm thanh quản mãn tính: Viêm thanh quản kéo dài.
2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản
Viêm thanh quản có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất là do nhiễm trùng hoặc chấn thương thanh quản. Nguyên nhân của viêm thanh quản cấp tính và mãn tính là khác nhau.
2.1 Viêm thanh quản cấp tính
Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản sẽ thuyên giảm trong vòng một hoặc hai tuần khi nguyên nhân cơ bản được giải quyết hoặc giảm thiểu. Nguyên nhân của viêm thanh quản cấp tính bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp do virus, như cảm lạnh thông thường hoặc cúm
- Căng thẳng thanh âm hoặc chấn thương do la hét, nói chuyện hoặc hát to trong thời gian dài
- Hắng giọng dai dẳng hoặc ho kéo dài
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.
2.2 Viêm thanh quản mãn tính
Viêm thanh quản kéo dài hơn 3 tuần được coi là viêm thanh quản mãn tính. Thường là do tiếp xúc với các chất gây kích ứng theo thời gian. Viêm thanh quản mãn tính có thể dẫn đến tổn thương dây thanh âm hoặc sự phát triển của các polyp hoặc nốt trên dây thanh.
Nguyên nhân của viêm thanh quản mãn tính bao gồm:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trong đó axit dạ dày trào ngược lên thực quản có thể đến cổ họng và kích ứng dây thanh âm
- Lạm dụng giọng nói liên tục, ví dụ như ca sĩ
- Viêm xoang mãn tính
- Các chất kích thích hít phải, ví dụ như khói hóa học, chất gây dị ứng, khói thuốc
- Uống rượu quá mức
- Hút thuốc lá.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm thanh quản
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và nặng dần trong 2-3 ngày.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm thanh quản bao gồm:
- Khàn giọng
- Giọng nói yếu hoặc mất giọng
- Cổ họng khô
- Cổ họng có cảm giác cộm hoặc thô
- Ho khan khó chịu
- Viêm họng
- Liên tục hắng giọng.
- Đau đầu
- Sốt
- Sổ mũi
- Đau khi nuốt
- Mệt mỏi
- Nhức mỏi và đau nhức.
4. Viêm thanh quản điều trị như thế nào?
Viêm thanh quản thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 hoặc 2 tuần mà không cần điều trị y tế. Người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà, bằng cách:
- Tránh nói chuyện và nghỉ ngơi giọng nói càng nhiều càng tốt.
- Hít thở không khí ẩm - sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong nhà hoặc văn phòng và / hoặc hít hơi nước từ bát nước nóng hoặc vòi sen nước nóng.
- Uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước (tránh rượu và đồ uống có chứa cafein).
- Giữ ẩm cho cổ họng bằng cách ngậm viên ngậm, kẹo cao su hoặc súc miệng bằng nước ấm hơi mặn
- Bỏ thuốc lá và tránh môi trường có khói, khô hoặc bụi...- Không sử dụng thuốc thông mũi vì chúng có thể làm khô cổ họng.
5. Thuốc điều trị viêm thanh quản
- Thuốc kháng sinh: Phần lớn viêm thanh quản là do virus, nên thuốc kháng sinh sẽ không được kê đơn. Trong trường hợp, viêm thanh quản do nhiễm khuẩn, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là phải biết nguyên nhân chính xác của nhiễm trùng, thuốc kháng sinh có thể được khuyên dùng nếu: Nhiễm trùng nặng; tình trạng nhiễm trùng không thuyên giảm; hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Thuốc giảm đau: Để xử lý cơn đau họng, kích ứng cổ họng và ho khan có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen, hoặc aspirin. Các loại thuốc hoặc biện pháp khắc phục tại chỗ như nước muối, viên ngậm họng, siro trị đau họng, trà thảo mộc, thuốc xịt thảo dược hoặc viên ngậm thảo dược chỉ hoạt động khi tiếp xúc với các mô bị viêm hoặc bị kích ứng và do đó sẽ chỉ giúp giảm kích ứng trong cổ họng.
- Corticosteroid: Đối với các trường hợp viêm thanh quản nặng bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid như prednisone, để giảm sưng, nhưng do thuốc có nhiều tác dụng phụ, nên cần lưu ý khi sử dụng corticosteroid.
- Thuốc giảm axit dạ dày: Thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày, có thể giúp giảm chứng ợ nóng, ngăn axit dạ dày gây tổn thương thanh quản. Thuốc chẹn H2 làm giảm sản xuất axit trong niêm mạc dạ dày. Thuốc ức chế bơm proton cũng hoạt động để giảm sản xuất axit và là thuốc chống trào ngược mạnh nhất.
- Thuốc kháng histamin: Nếu dị ứng gây viêm thanh quản có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng.
6. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc
Tác dụng phụ có thể xảy ra với tất cả các loại thuốc và khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc.
- Thuốc giảm đau không kê đơn là loại thuốc hiệu quả để giảm các triệu chứng viêm thanh quản nhưng có thể gặp các tác dụng phụ, bao gồm: Buồn nôn, đau đầu hoặc đau dạ dày...
- Corticosteroid thường gây ra tác dụng phụ ngay cả khi dùng trong thời gian ngắn, bao gồm: Thay đổi tâm trạng và hành vi, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, huyết áp cao, đường huyết cao, mụn trứng cá và hệ thống miễn dịch suy yếu, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Quan trọng hơn, corticosteroid dạng hít có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm ở cổ họng và thanh quản. Tác dụng phụ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm thanh quản. Do đó, các bác sĩ hạn chế sử dụng đối với các trường hợp mãn tính.
7. Phòng ngừa viêm thanh quản
Nguy cơ phát triển viêm thanh quản có thể được giảm bớt bằng cách:
- Uống đủ nước giúp làm loãng chất nhầy trong cổ họng dễ dàng đào thải ra ngoài.
- Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tiêm phòng cúm hàng năm, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bị cảm cúm.
- Tránh hít phải các chất kích thích từ môi trường (ví dụ như khói hoặc bụi), đặc biệt nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.
- Không uống rượu quá mức.
- Tránh la hét hoặc hát to hoặc trong thời gian dài. Những người thường xuyên sử dụng giọng nói nên được huấn luyện từ một huấn luyện viên giọng nói để ngăn ngừa tổn thương thanh quản.
- Tránh thường xuyên hắng giọng. Điều này có thể gây kích ứng thanh quản và làm tăng sưng dây thanh quản.
- Kê cao đầu bằng gối hoặc kê cao đầu giường. Nếu bị ợ chua hoặc trào ngược, có thể giúp ngăn axit dạ dày đến thanh quản khi nằm ngủ.
- Tránh thực phẩm gây ợ chua hoặc trào ngược như cà phê, rượu, sô cô la và thức ăn cay, béo và có tính axit.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Xót xa hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc vì lương không đủ sống, đừng ví họ là anh hùng