Kiểm tra trên lưỡi cháu có nhiều đốm trắng, mẹ tôi bảo đấy là bệnh tưa miệng. Vậy xin hỏi, có loại thuốc nào làm giảm tình trạng này của cháu không? Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Thị Hằng (Nghệ An)
Nấm miệng hay còn gọi là tưa miệng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh do loại nấm Candida albicans gây ra. Bình thường, trong cơ thể chúng ta đều chứa loại nấm này nhưng nếu sự cân bằng của các sinh vật trong cơ thể em bé bị đảo lộn, nấm sẽ nhân lên và gây nhiễm trùng.
Bệnh cũng có thể xảy ra sau khi bé phải điều trị bằng một đợt kháng sinh vì kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Em bé của bạn cũng có thể bị tưa miệng sau khi hút, ngậm các vật bị nhiễm nấm. Đây có thể là ti giả hoặc thậm chí do chính núm vú của bạn. Bé cũng có thể nhiễm nấm khi bạn sinh bé qua đường âm đạo.
Khi bị nấm miệng, nếu ở mức độ nhẹ, bạn có thể dùng nước muối hoặc dung dịch iod povidin 1% để lau miệng và làm sạch lưỡi cho bé. Nếu bệnh nặng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống nấm cho bé, như nystatin và miconazole. Nystatin là thuốc kháng nấm tác dụng rất tốt. Bạn có thể dùng thuốc này bằng cách bôi ở miệng cho trẻ 100.000 đơn vị/lần, 4 lần một ngày, thường điều trị trong 7 ngày. Còn miconazol là thuốc imidazol tổng hợp có tác dụng chống nhiều loại nấm trong đó có candida albicans. Miconazol dùng bôi tại chỗ dưới dạng gel bôi miệng nồng độ 2%. Tuy nhiên, bạn không nên dùng thuốc này nếu bé bị dị ứng với miconazole hoặc có bệnh về gan. Khi dùng, thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đôi khi tiêu chảy, viêm gan, mẩn ngứa... Mặc dù dùng tại chỗ nhưng vẫn có một lượng thuốc nhất định đi vào máu nên bạn cần thận trọng khi bé đang phải uống cùng lúc nhiều loại thuốc vì có thể xảy ra tương tác.
Ngoài những việc kể trên, để ngăn ngừa bệnh tưa miệng cho bé cần lưu ý: làm sạch và khử trùng bình sữa, vật dụng cho ăn và các đồ chơi khác; giặt quần áo cho bé bằng nước nóng; thay tã thường xuyên và sau khi thay tã bạn phải rửa tay thật sạch sẽ.
Chúc bạn và bé khỏe!
BS. Minh Nguyệt