1. Thế nào là khó tiêu?
Khó tiêu, ăn không tiêu hay còn gọi là đầy bụng khó tiêu là tình trạng suy giảm chức năng tiêu hóa. Đây là một tình trạng rất phổ biến.
Các dấu hiệu và triệu chứng của khó tiêu bao gồm:
- Cảm giác đầy bụng, khó chịu sau bữa ăn.
- Không ăn nhiều nhưng vẫn cảm thấy no.
- Đau từ nhẹ đến nặng ở vùng bụng trên (vùng giữa xương ức và rốn).
- Cảm giác bỏng rát ở bụng trên.
- Đầy hơi.
- Ợ hơi.
- Buồn nôn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu, trong đó phần lớn liên quan đến lối sống. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Ăn quá nhanh hoặc quá nhiều trong bữa ăn.
- Thức ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm có tính axit như cà chua và cam.
- Uống quá nhiều rượu, cà phê và đồ uống có chứa caffein hoặc có ga.
- Căng thẳng và lo lắng.
- Hút thuốc.
- Một số loại thuốc.
2. Những loại thuốc gây ra chứng khó tiêu
Một số loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và gây tăng tiết, đầy bụng hoặc khó tiêu, bao gồm:
- Aspirin và nhiều loại thuốc giảm đau khác như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Estrogen và thuốc tránh thai.
- Thuốc kháng sinh (như erythromycin và tetracycline).
- Thuốc tuyến giáp.
- Thuốc giảm cholesterol (statin).
- Thuốc giảm đau.
Nếu nguyên nhân gây khó tiêu được phát hiện là do loại thuốc đang dùng, không được dừng thuốc đột ngột. Cần thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để tìm các giải pháp thay thế không làm trầm trọng thêm chứng khó tiêu.
3. Thuốc trị khó tiêu
Thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng khó tiêu dai dẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó tiêu kéo dài hơn 2 tuần, nên đến các các cơ sở y tế để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị.
Các thuốc có thể được sử dụng để làm giảm khó tiêu, bao gồm:
3.1 Men tiêu hóa và men vi sinh
Men tiêu hoá và men vi sinh giúp cải thiện hệ tiêu hóa và làm giảm các triệu chứng khó tiêu.
3.2 Thuốc kháng axit
Đối với hầu hết các triệu chứng khó tiêu, thuốc kháng axit là một trong những khuyến nghị đầu tiên. Thuốc kháng axit hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và bằng cách ức chế pepsin, một loại enzyme phân giải protein. Thuốc kháng axit là sự kết hợp của nhiều hợp chất khác nhau với các muối khác nhau của canxi, magiê và nhôm làm thành phần hoạt tính.
Thuốc kháng axit có thể biểu hiện những tương tác đáng kể về mặt lâm sàng với thuốc khác mà bệnh nhân có thể đang dùng, vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng nếu đang dùng thuốc theo toa.
Thuốc kháng axit cũng có thể có tác dụng phụ. Thuốc kháng axit có chứa magiê có xu hướng hoạt động như thuốc nhuận tràng và có thể gây tiêu chảy. Thuốc kháng axit có chứa nhôm có tác dụng ngược lại và có thể gây táo bón.
3.3 Thuốc chẹn thụ thể H2
Thuốc chẹn H2 là một nhóm thuốc làm giảm lượng axit được sản xuất bởi các tế bào trong niêm mạc dạ dày. Thuốc còn được gọi là chất đối kháng thụ thể histamine H2 nhưng thường được gọi là thuốc chẹn H2. Thuốc làm giảm lượng axit dạ dày tạo ra, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó tiêu.
Thuốc chẹn H2 phổ biến bao gồm famotidine, nizatidine và ranitidine.
Hầu hết thuốc chẹn H2 không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, tác dụng phụ xảy ra ở một số ít người dùng. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, phát ban và mệt mỏi.
Ngoài ra, thuốc có thể tương tác với một số loại thuốc khác, vì vậy, cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng nếu đang dùng thuốc theo toa.
3.4 Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
PPI đặc biệt hiệu quả trong việc giảm axit trong dạ dày để điều trị các triệu chứng khó tiêu và ợ chua. Bác sĩ có thể đề nghị PPI nếu thuốc kháng axit hoặc thuốc chẹn H2 không giải quyết được các triệu chứng khó tiêu. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị trào ngược axit, và loét dạ dày, tá tràng.
PPI có thể tương tác với một số loại thuốc khác, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng nếu bạn đang dùng thuốc theo toa.
PPI không kê đơn chỉ dành cho đợt điều trị 14 ngày và có thể được sử dụng tối đa 3 lần mỗi năm.
Các PPI phổ biến là: Lansoprazole, esomeprazole.
3.5 Thuốc kháng sinh
Nếu nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu là do nhiễm vi khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể chỉ định một liệu trình gồm ít nhất hai loại kháng sinh, như amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tetracycline... Tuy nhiên loại nhiễm trùng này cần được xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.
4. Những điều cần lưu ý
Vì chứng khó tiêu là một tập hợp các triệu chứng chứ không phải là bệnh, nên phương pháp điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.
Cách tốt nhất để tìm ra phương pháp điều trị đầy hơi khó tiêu phù hợp là đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ có thể kiểm tra các nguyên nhân tiềm ẩn của chứng khó tiêu và đưa ra lời khuyên và phương án điều trị.
Thay đổi lối sống cũng đóng một vai trò quan trọng, bao gồm:
- Tránh thức ăn gây khó tiêu.
- Ăn thành các bữa ăn nhỏ.
- Nhai thức ăn chậm và kỹ.
- Giảm hoặc không sử dụng rượu, caffein và đồ uống có ga.
- Không hút thuốc.
- Tập thể dục.
- Giảm căng thẳng và lo lắng.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Những ai không nên ăn đồ cay?