Đặng Văn Hiển (Vĩnh Phúc)
Hội chứng bàng quang tăng hoạt thường gặp ở người cao tuổi như bác, là tình trạng tiểu gấp, có hoặc không kèm theo són tiểu gấp, thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm... nếu không có nhiễm trùng tiểu hoặc các bệnh lý rõ ràng khác. Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh, làm giảm chất lượng sống.
Bàng quang tăng hoạt.
Các biện pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm: điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cách ăn uống, dùng một số thuốc đặc trị. Nếu không cải thiện triệu chứng thì xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp.
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như hạn chế thức ăn, thức uống gây kích thích bàng quang; uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày, tập đi tiểu theo giờ... có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng.
Nếu bị nặng, có thể cần được điều trị phối hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dùng thuốc kháng muscarinic. Các thuốc kháng muscarinics có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Các thuốc kháng muscatinics gồm có darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin, tolterodine và trospium. Tác dụng ngoại ý của các thuốc kháng muscarinics là khô miệng, mờ mắt, nóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón...
Trong trường hợp kháng thuốc, bác sĩ điều trị sẽ thực hiện các thủ thuật để nâng cao hiệu quả điều trị như tiêm botox vào bàng quang, đặt máy điều biến thần kinh cùng, kích thích thần kinh chày...
Nếu nghi ngờ mình có các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt thì bác nên đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp chứ không nên tự ý sử dụng thuốc. Việc điều trị có thể kéo dài, do đó bác nên tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.