1. Nguyên nhân gây đau răng
Đau răng có thể có các hình thức khác nhau như đau âm ỉ, dai dẳng, đau nhói ở răng hoặc hàm, đau buốt khi ăn uống hoặc sưng tấy ở vùng bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng cũng có thể bao gồm đau đầu hoặc sốt. Tùy thuộc vào các triệu chứng đau, thời gian và mức độ nghiêm trọng, cơn đau răng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau.
Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Sâu răng
- Áp xe răng
- Trám hoặc thân răng bị hỏng
- Nứt răng
- Bệnh nướu răng
- Tổn thương răng hoặc hàm
Trong đó sâu răng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau răng. Khi men răng bị mòn, do thức ăn hoặc đồ uống có tính axit hoặc đường, có thể bị sâu răng gây ra cảm giác đau răng âm ỉ. Để điều trị sâu răng, có thể phải trám răng, lấy tủy răng hoặc thậm chí là nhổ răng - tùy thuộc vào mức độ tổn thương. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây đau răng như các vấn đề về khớp thái dương hàm, viêm xoang, tổn thương dây thần kinh sọ, ung thư…
2. Một số thuốc giúp giảm đau răng
Kiểm soát cơn đau trong nha khoa là điều quan trọng hàng đầu và có thể cải thiện kết quả lâm sàng. Dưới đây là một số thuốc thường sử dụng:
2.1 Paracetamol
Paracetamol còn được gọi là acetaminophen là thuốc giảm đau cơ bản trong điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Paracetamol được chỉ định cho các trường hợp đau đầu nhẹ, đau cơ, đau lưng, sốt và đau răng. Paracetamol sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Cần lưu ý, paracetamol được bán dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau, có thể gây nhầm lẫn và dẫn đến việc dùng nhiều paracetamol hơn mức khuyến cáo an toàn.
Việc sử dụng quá nhiều paracetamol có thể dẫn đến tổn thương gan. Nên cần đọc kỹ nhãn thông tin thuốc trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
2.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Aspirin là chất chống viêm không steroid đầu tiên được phát hiện. Thuốc làm giảm sốt và hoạt động như một chất chống viêm. Aspirin cũng làm giảm đông máu, loãng máu. Vì lý do này, không sử dụng aspirin trước khi nhổ răng hoặc tiến hành phẫu thuật.
Aspirin không được khuyến cáo cho những bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ NSAID nào, người dưới 16 tuổi, hoặc những người bị hen suyễn hoặc tăng huyết áp không kiểm soát. Một số tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng dạ dày, khó tiêu hoặc buồn nôn.
Các thuốc khác như ibuprofen, diclofenac, naproxen... là những thuốc NSAID có tác dụng tốt trong giảm đau, viêm.
Tuy nhiên khi dùng người bệnh cần đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng thuốc để biết các tác dụng phụ của thuốc mình đang sử dụng.
Cần đề phòng bất lợi trên dạ dày khi dùng thuốc. Các thuốc này cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim và có thể gây chảy máu dạ dày hoặc ruột. Cần thông báo cho bác sĩ biết nếu bị tăng huyết áp, bệnh tim, tiền sử loét hoặc chảy máu dạ dày, hen suyễn và bệnh gan hoặc thận.
Đối với bất kỳ loại thuốc nào, phải sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ kê đơn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng, bao gồm phát ban, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng hoặc khó thở, hãy tìm trợ giúp y tế khẩn cấp.
3. Làm gì để ngăn ngừa đau răng
Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau răng là tránh các nguyên nhân gây sâu răng, bao gồm:
- Bỏ hút thuốc
- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa hai lần mỗi ngày
- Tránh thức ăn nhiều đường và nhiều chất béo
- Tập thể dục và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Giảm căng thẳng và lo lắng
- Đi khám sức khỏe răng miệng và nha khoa định kỳ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh đậu mùa khỉ: Hiểu đúng về vaccine và thuốc điều trị