1. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý là gì?
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn/chấn thương tâm lý là một rối loạn tâm thần có thể xảy ra ở những người đã phải trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương như thiên tai, tai nạn nghiêm trọng, khủng bố, chiến tranh, bị cưỡng hiếp, bị đe dọa giết chết, bạo lực tình dục hoặc chấn thương nghiêm trọng...
Chứng rối loạn này có thể xảy ra ở tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Các triệu chứng phổ biến gồm khó chịu, kích động, lo lắng nghiêm trọng, mất ngủ, ác mộng và cảm xúc rời rạc…
2. Phương pháp điều trị
Không có cách chữa khỏi triệt để rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý, mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát bằng sự kết hợp của các phương pháp điều trị và các loại thuốc theo phác đồ do chuyên gia y tế xây dựng cho từng người bệnh cụ thể.
3. Thuốc điều trị rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý
Bác sĩ điều trị có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc trong các nhóm thuốc sau để giúp kiểm soát các triệu chứng:
3.1 Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm là thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm, lo âu, đau mãn tính, nghiện và các rối loạn lo âu khác. Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường giấc ngủ, tăng sự thèm ăn và sự tập trung. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng cân, chóng mặt, nhức đầu và rối loạn chức năng tình dục.
3.2 Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần hoạt động bằng cách thay đổi một số hóa chất trong não, như dopamine và serotonin. Những loại thuốc này có hiệu quả trong việc giảm ảo tưởng, ảo giác, lo lắng và kích động. Một số tác dụng phụ bao gồm cứng khớp, tăng cân, táo bón và buồn ngủ.
3.3 Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta, còn được gọi là chất ngăn chặn beta-adrenergic, hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của epinephrine (adrenaline) trong cơ thể và làm giảm huyết áp. Thuốc khiến tim đập chậm hơn và làm giảm huyết áp tổng thể. Thuốc chẹn beta có thể cải thiện lưu lượng máu và giảm nguy cơ đau tim, nhưng chúng được biết là gây chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương.
3.4 Benzodiazepines
Những loại thuốc này hoạt động bằng cách làm tăng tác dụng của một chất hóa học trong não gọi là axit gamma-aminobutyric (GABA) và hoạt động như một loại thuốc an thần, làm chậm các chức năng của cơ thể. Thuốc có thể giúp người bệnh ngủ ngon, giảm lo lắng và thư giãn cơ bắp nhưng lại có tính gây nghiện cao và cần hết sức thận trọng khi sử dụng.
Sử dụng benzodiazepin trong thời gian ngắn thường an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài có thể dẫn đến lệ thuộc vào thuốc và gây nghiện. Các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, lú lẫn, run rẩy, các vấn đề về thị lực, cảm giác trầm cảm và hồi hộp.
3.5 Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
Tương tự như thuốc chống trầm cảm, MAOIs hoạt động bằng cách ảnh hưởng đến những thay đổi trong chất hóa học của não được cho là có vai trò gây ra bệnh trầm cảm. Cụ thể, MAOIs ức chế hoạt động của một hoặc cả hai enzym monoamine oxidase: monoamine oxidase A và monoamine oxidase B.
Khi dùng thuốc, người bệnh có thể cảm thấy tâm trạng được cải thiện và ít bị hoảng loạn hơn. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm khô miệng, buồn nôn, buồn ngủ, mất ngủ và đau đầu. Việc sử dụng thuốc này đi kèm với một số hạn chế về chế độ ăn uống và thuốc mà khi kết hợp có thể gây nguy hiểm.
3.6 Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
SSRIs hoạt động bằng cách tăng mức serotonin trong não và ngăn chặn sự tái hấp thu serotonin vào tế bào thần kinh. SSRI được biết là có thể giúp những người bị lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Một số tác dụng phụ của thuốc bao gồm buồn nôn, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn chức năng tình dục bao gồm giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và chậm hoặc không có khả năng đạt cực khoái cho cả nam và nữ.
4. Điều gì xảy ra nếu không được điều trị?
Nếu rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý không được điều trị, những người bị ảnh hưởng của chứng rối loạn này thường tìm đến rượu và các chất gây nghiện như ma tuý, thuốc phiện để giải tỏa. Ngoài ra, những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý có thể gặp phải các vấn đề về quản lý cơn giận dữ, cô đơn và trầm cảm.
5. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý kéo dài bao lâu?
Diễn biến của bệnh ở mỗi người khác nhau. Một số người có thể khỏi các triệu chứng trong vòng sáu tháng trong khi những người khác có thể gặp các triệu chứng trong nhiều năm. Để chẩn đoán mắc PTSD, phải có các triệu chứng trong ít nhất một tháng sau sự kiện kích hoạt và kéo dài hơn sáu tháng để đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán đầy đủ.
6. Thay đổi lối sống giúp kiểm soát rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý
Một số biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp người bệnh đối phó và ngăn các đợt tái phát trong tương lai. Dưới đây là một số biện pháp có thể thực hiện:
- Nhận hỗ trợ khi cần: Tìm kiếm sự hỗ trự của bạn bè và người thân.
- Tránh xa ma túy và rượu: Việc sử dụng chất kích thích có thể nguy hiểm và gây nghiện, khiến việc điều trị khó khăn hơn và kéo dài.
- Tập thể dục: Vận động cơ thể rất quan trọng. Chỉ cần đi bộ 10 phút mỗi ngày có thể cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo lắng, trầm cảm.
- Ngủ đủ giấc: Không ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm được khuyến nghị có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
- Chế độ ăn uống cân bằng: Trong số các loại thực phẩm nên ưu tiên quả việt quất, trà hoa cúc, quả óc chó và rau xanh. Những thực phẩm này có thể làm giảm các triệu chứng ở một mức độ nào đó.
- Thực phẩm bổ sung: Dầu cá, inositol và n-acetylcysteine có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19