Hà Nội

Thuốc gì điều trị viêm đại tràng?

16-06-2024 06:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Người mắc bệnh viêm đại tràng thường bị tái đi tái lại. Trường hợp nặng dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu, thậm chí tăng nguy cơ ung thư. Vậy viêm đại tràng có thuốc gì điều trị?

1. Viêm đại tràng là gì?

Viêm đại tràng là bệnh viêm mạn tính không đặc hiệu của đại tràng, chưa rõ nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh. Viêm đại tràng là do sự tương tác của nhiều yếu tố như môi trường (bao gồm chế độ ăn uống, hút thuốc, điều kiện vệ sinh), di truyền, nhiễm trùng và khả năng miễn dịch.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở độ tuổi từ 20 đến 40. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người già và trẻ em. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Các triệu chứng điển hình của viêm đại tràng là đau bụng, tiêu chảy, đại tiện ra chất nhầy, mủ, lẫn máu. Những bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trên 20 năm có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao gấp 10-15 lần so với người bình thường.

Với sự tiến bộ của điều trị y tế, các lựa chọn điều trị viêm đại tràng đã trở nên đa dạng, nhưng chẩn đoán sớm và điều trị sớm vẫn là chìa khóa. Thông qua quản lý chế độ ăn uống tốt, điều trị bằng thuốc tiêu chuẩn và điều trị bằng phẫu thuật khi cần thiết, bệnh có thể được kiểm soát và chữa khỏi.

Thuốc gì điều trị viêm đại tràng?- Ảnh 1.

Các triệu chứng điển hình của viêm đại tràng là tiêu chảy tái phát, phân có mủ và đau bụng.

2. Thuốc điều trị viêm đại tràng

Bệnh nhân bị viêm đại tràng nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ bao gồm:

2.1. Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm được sử dụng làm phương pháp điều trị ban đầu cho bệnh viêm đại tràng. Các loại thuốc chống viêm thường được sử dụng bao gồm:

- Thuốc acid 5-aminosalicylic (5-ASA): Bao gồm các thuốc sulfasalazin, balsalazide, mesalazin, olsalazin. Thuốc có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của viêm đại tràng nhưng có nhiều tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ợ chua và đau đầu. Ngoài ra, không dùng nếu bị dị ứng với thuốc, người bị suy gan, suy thận.

- Thuốc corticosteroid: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng và được dùng trong thời gian ngắn, bao gồm prednisolon, dexamethason, betamethason...

Thuốc giảm viêm, giảm triệu chứng bệnh nhưng có nhiều tác dụng phụ, bao gồm tăng cân, tăng huyết áp, loãng xương, yếu cơ, teo da, các vấn đề về mắt... Để ngăn ngừa tác dụng phụ, không nên sử dụng corticosteroid lâu dài và quá trình điều trị thường được kiểm soát trong khoảng 3 - 4 tháng. Thuốc có chống chỉ định với người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…

- Thuốc điều hòa miễn dịch: Những loại thuốc này làm giảm viêm bằng cách ức chế phản ứng miễn dịch, bao gồm các thuốc như azathioprin, mercaptopurin, cyclosporin...

2.2. Các loại thuốc khác

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và triệu chứng của viêm loét đại tràng, bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc khác, bao gồm:

- Thuốc giảm đau: Thuốc giúp kiểm soát cơn đau. Trong số các loại thuốc giảm đau khác nhau, acetaminophen được ưu tiên hơn các loại thuốc gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin và naproxen vì những loại thuốc này có thể gây kích ứng ruột.

- Thuốc kháng sinh: Các loại kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất là ciprofloxacin và metronidazole. Kháng sinh phổ rộng rất quan trọng trong điều trị các biểu hiện thứ phát của bệnh như rò quanh hậu môn và áp xe.

- Thuốc chống tiêu chảy: Nếu bị tiêu chảy nặng có thể sử dụng các thuốc chống tiêu chảy như loperamid và diphenoxylat. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc chống tiêu chảy nào cũng nên được sử dụng hết sức thận trọng vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng phình đại tràng độc hại.

- Thuốc bổ sung sắt: Những người bị viêm đại tràng có thể bị thiếu máu do mất máu mạn tính. Thuốc bổ sung sắt cải thiện tình trạng này. Ví dụ polypeptide sắt heme đường uống là lựa chọn tốt nhất do tác dụng nhanh và tác dụng phụ tối thiểu.

2.3. Phẫu thuật

Nếu thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác không làm giảm triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Thuốc gì điều trị viêm đại tràng?- Ảnh 2.

Khi đã được chẩn đoán viêm đại tràng người bệnh phải luôn dùng thuốc được kê đơn theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

3. Lưu ý khi dùng thuốc và biện pháp ngăn ngừa viêm đại tràng tái phát

Việc tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định. Do đó, khi bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm đại tràng phải luôn dùng thuốc được kê đơn theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Nếu tự ý ngừng dùng thuốc, nguy cơ bùng phát và tiến triển của bệnh sẽ tăng lên.

Bên cạnh việc uống thuốc và duy trì điều trị người bệnh cũng cần xây dựng thói quen sinh hoạt điều độ bao gồm:

- Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, tránh thức khuya và ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm.

- Thực hiện các bài tập thể dục phù hợp.

- Nên ăn nhiều bữa nhỏ, ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng và giàu vitamin. Không ăn sống, lạnh, nhiều dầu mỡ, sữa và các sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm giàu chất xơ. Chú ý vệ sinh thực phẩm và tránh nhiễm trùng đường ruột.

- Ngừng hút thuốc và uống rượu, không tùy tiện sử dụng kháng sinh và hạn chế sử dụng thuốc chống viêm không steroid.

- Giữ tâm trạng thoải mái, giảm căng thẳng tinh thần.

Ngoài ra, để ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư đại tràng, tất cả các bệnh nhân bị viêm đại tràng đã được chẩn đoán từ 8 đến 10 năm, bất kể tình trạng bệnh lý ra sao, đều nên được nội soi theo dõi định kỳ. Đặc biệt những bệnh nhân nặng, tổn thương đường ruột lan rộng, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát có nguy cơ mắc ung thư cao nên nội soi đại tràng sớm và thường xuyên hơn.

Viêm đại tràng mạn tính dễ nhầm với bệnh gì?Viêm đại tràng mạn tính dễ nhầm với bệnh gì?

SKĐS - Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh lý tiêu hóa rất thường gặp, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Ở nước ta, có khoảng 20% dân số bị viêm đại tràng mạn tính và có xu hướng gia tăng.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Viêm đại tràng dưới góc nhìn Đông y.


DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn