Tỷ lệ viêm thực quản do thuốc được ước tính là 3,9/100.000 dân mỗi năm. Tuổi trung bình là 41,5 tuổi, phụ nữ bị viêm thực quản do thuốc nhiều hơn nam giới, có thể là do phụ nữ tiêu thụ nhiều thuốc hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi tác tăng lên, giảm sản xuất nước bọt và thay đổi nhu động thực quản. Bất thường của thực quản là kết quả của những bất thường hệ thống, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản hoặc đi kèm với rối loạn của hệ thống miễn dịch.
Viêm thực quản do thuốc thường gặp ở bệnh nhân sau khi uống thuốc, do không uống kèm đủ nước và đi nằm ngay sau khi uống thuốc. Vài giờ sau phát hiện triệu chứng đau sau xương ức với một mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Cơn đau này có thể liên tục và thường trầm trọng hơn do nuốt đau và khó nuốt. Các triệu chứng kéo dài trong một vài ngày và sẽ hồi phục dần dần. Trong những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể khó khăn ăn uống trong một khoảng thời gian. Một số trường hợp phức tạp hơn do hẹp, xuất huyết hoặc thậm chí thủng thực quản; tuy nhiên, các biến chứng này ít gặp.
Với cùng loại thuốc những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng viêm thực quản do thuốc hơn so với bệnh nhân trẻ, do giảm sản xuất nước bọt và giảm nhu động thực quản ở người già làm thuốc tồn đọng lâu ở thực quản, tạo điều kiện gây thương tổn thực quản tại chỗ. Bệnh nhân tim to do phì đại nhĩ trái dường như dễ mắc phải viêm thực quản do thuốc vì tâm nhĩ trái có thể đè ép lên thực quản, làm cản trở hoạt động co bóp thực quản. Những người có rối loạn nhu động thực quản do nhiều nguyên nhân thực thể hay tâm lý khác nhau cũng dễ bị viêm thực quản do thuốc.
Thực quản bình thường và thực quản bị tổn thương.
Một số thuốc gây tổn thương niêm mạc thực quản thường gặp
Thuốc kháng sinh: Hầu hết các bệnh nhân bị viêm thực quản do thuốc thường do uống thuốc kháng sinh cho các bệnh thông thường, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đường hô hấp hay các cơ quan khác.
Viêm thực quản do uống thuốc kháng sinh chiếm khoảng một nửa các trường hợp được báo cáo viêm thực quản do thuốc. Doxycycline, tetracycline và clindamycin là những kháng sinh phổ biến nhất liên quan với viêm thực quản do thuốc, trong đó đứng đầu là doxycycline dưới dạng nang nhưng may mắn là hiếm khi gây ra các tổn thương phức tạp. Các loại thuốc kháng sinh này có độ pH thấp khi hòa tan trong dung dịch, chẳng hạn như nước bọt và gây ra thương tổn thực quản thoáng qua, có thể hồi phục sau khi ngưng sử dụng.
Kali clorua: Kali clorua được sử dụng điều trị trong trường hợp thiếu kali. Kali được biết đến với gây viêm loét ruột non, do có tác dụng tăng áp lực thẩm thấu, kali có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản.
Bisphosphonate: đặc biệt là alendronate, là một trong những nguyên nhân thường gặp của viêm thực quản do thuốc. Trong các nghiên cứu, hầu hết bệnh nhân viêm thực quản do dùng bisphosphonate không thực hiện uống với một lượng nước uống đủ (180ml) theo khuyến cáo, không ngồi hay đứng đủ trong 30 phút sau khi uống thuốc hoặc do cả hai lý do vừa nêu.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs phá vỡ tác dụng bảo vệ tế bào bình thường của prostaglandin trên niêm mạc dạ dày và có thể có tác dụng tương tự trên niêm mạc thực quản. Thuốc liên quan đến viêm thực quản bao gồm ibuprofen, indomethacin, aspirin, phenylbutazone và naproxen... Trong khi NSAID không phải là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm thực quản, nhưng có đến 40-50% số bệnh nhân có thể phát triển hẹp thực quản và một số có thể gặp xuất huyết không gây tử vong. Ngoài ra, hầu hết các bệnh nhân bị viêm thực quản có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản trước đó.
Ngược lại với thuốc kháng sinh, các NSAID đã được báo cáo gây viêm thực quản với tỷ lệ thấp hơn, nhưng có biến chứng nhiều hơn.
Phòng và điều trị viêm thực quản do thuốc
Hầu hết các trường hợp viêm thực quản do thuốc không có biến chứng. Có thể phòng và điều trị viêm thực quản do thuốc với một số cách sau:
Nên tránh uống các thuốc có thể làm thương tổn thực quản để ngăn ngừa mắc và tái phát viêm thực quản do thuốc. Trao đổi với bác sĩ, chọn một loại thuốc điều trị thay thế khác.
Uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng. Sau khi uống thuốc cần ngồi hoặc đứng và tránh nằm ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc.
Cần uống thuốc với một ly nước đầy (180 - 200ml) để tránh gây kích ứng và thương tổn thực quản.
Điều trị chủ yếu là ngừng uống các thuốc gây loét thực quản đang uống, phần lớn tổn thương sẽ lành sau vài tuần điều trị. Có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ như lidocain để giảm triệu chứng đau. Có thể dùng thuốc chống tiết như thuốc kháng acid và sucralfat được sử dụng để bảo vệ niêm mạc bị tổn thương do acid dạ dày.
Nếu phải uống thuốc ở tư thế nằm, như người cao tuổi khó ngồi dậy và người bị bệnh mạn tính phải nằm trên giường: Nên uống với tư thế nằm cao đầu hoặc đỡ bệnh nhân ngồi dậy để uống. Điều này vừa tránh viêm thực quản do thuốc, vừa giúp tránh được nguy cơ hít sặc vào đường thở có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc viêm phổi do hít sặc.
Chọn các thuốc dạng lỏng dễ uống cho những người già hoặc trẻ em, người mắc rối loạn khó nuốt.
Hiện nay, tỷ lệ viêm thực quản do thuốc có xu hướng giảm hơn so với trước. Do một số loại thuốc liên quan mạnh đến viêm thực quản đã được loại bỏ khỏi thị trường hoặc ít được sử dụng thường xuyên hơn. Các nhà sản xuất đã chú ý đến vấn đề này và bào chế thuốc ít có khả năng gây ra những biến chứng viêm thực quản. Cuối cùng, vấn đề tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc đúng cách đóng vai trò quan trọng trong hạn chế viêm thực quản do thuốc. Thực hiện tốt song song tất cả những điều vừa nêu sẽ giúp giảm tỷ lệ viêm thực quản do thuốc trong tương lai.