Thuốc gây hôi miệng và cách khắc phục

16-03-2019 15:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi thuốc được uống vào cơ thể, trong thời gian thuốc lưu lại và tan trong dạ dày, người dùng thuốc thường có cảm nhận hơi thở cũng có mùi thuốc, ợ ra mùi thuốc.

Nhưng cảm giác đó sẽ qua nhanh và thường không để lại khó chịu bằng việc thuốc gây hơi thở có mùi hôi. Khô miệng dẫn đến hôi miệng là một hiện tượng thường gặp do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra.

Bị hôi miệng do thuốc, vì sao?

Nước bọt tiết ra trong miệng mỗi người, là một dung dịch sinh hóa phức tạp. Nước bọt của mỗi tuyến có thành phần hơi khác nhau, nhưng nhìn chung chứa: 98% là nước, nhưng 2% còn lại mới quan trọng. Người ta phát hiện hơn một trăm chất với hàm lượng khác nhau, bao gồm hàng chục loại muối khoáng, chất nhầy (mucous), kháng sinh hơn chục loại men, các chất khoáng calci, natri, kali, bicarbonate, phosphate, men amylase, lipase, nhiều axit hữu cơ và nội tiết tố rất cần thiết cho cơ thể, như amylase trợ giúp tiêu hóa, lysozyme kháng khuẩn, immunoglobulin tăng cường miễn dịch... Bình thường, mỗi ngày, ở người lớn sản xuất ra từ 0,5-1,5 lít nước bọt. Các men tiêu hóa của nước bọt như amylase có tác dụng biến đổi tinh bột ra đường maltose; men lipase giúp tiêu hóa chất béo. Nước bọt còn có tác dụng giữ vệ sinh răng miệng, làm trung hòa các axít và có thể tiêu hủy một số loại vi khuẩn đồng thời rửa sạch thức ăn dính ở răng miệng. Nước bọt cũng có tác dụng ôxy hóa miệng, làm cho hơi thở được trong lành một cách tự nhiên.

Chỉ khi ngủ, nước bọt giảm tiết mạnh, gần như hoàn toàn không tiết nước bọt, các acid không được trung hòa làm miệng cảm giác bị khô và vi khuẩn lại tăng cường hoạt động, gây ra mùi hôi khó chịu cho khoang miệng, hơi thở có mùi hôi.

Khi bị tổn thương dây thần kinh điều khiển tuyến nước bọt; bị bệnh nghẹt mũi; bị chứng trào ngược dạ dày thực quản; bị căng thẳng thần kinh cũng làm giảm tiết nước bọt. Những trường hợp bị bệnh mà phải dùng thuốc điều trị thì có tới gần 400 loại thuốc đều có tác dụng phụ làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng và hôi miệng.

Dùng các thuốc tăng huyết áp, chống dị ứng gây ra tình trạng khô miệng.

Dùng các thuốc tăng huyết áp, chống dị ứng gây ra tình trạng khô miệng.

Điểm mặt các thuốc gây hôi miệng

Loại thuốc thường gây khô miệng nhất là các thuốc kháng histamin, cụ thể là thuốc kháng histamin H1 chữa dị ứng (promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid, loratadin, cetirizin hydroclorid...). Các thuốc này sẽ hạn chế một số receptor tới não, gây giảm tiết dịch trong cơ thể, trong đó có nước bọt. Do nước bọt có tính acid nhẹ nên có thể giảm đi số lượng các loại vi khuẩn gây hôi miệng. Khi thiếu nước bọt, vi khuẩn trong miệng sẽ hoạt động mạnh mẽ và gây khô miệng, dẫn đến hôi miệng.

Một số thuốc kháng sinh như carbenicillin, colistin có khả năng làm giảm kali máu. Các kháng sinh có chứa Na , K tuy hàm lượng thấp nhưng do dùng liều cao và thời gian dài như carboxypenicillin, penicillin có thể gây độc cho người bệnh. Thêm nữa do thận phải tăng cường hoạt động đào thải kháng sinh dư thừa, cơ thể bị mất một lượng nước lớn có thể cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tiết nước bọt nên nước bọt sẽ tiết ít hơn, hơi thở có mùi hôi.

Một tác dụng phụ cũng thường thấy ở thuốc chống trầm cảm (fluoxetine, amitriphtylin...) là tác dụng gây khô miệng. Nhất là khi dùng thuốc chống trầm cảm cổ điển cho người cao tuổi vốn là đối tượng có sự giảm tiết nước bọt. Chỉ cần khắc phục bằng thay đổi chế độ ăn phù hợp, uống đủ nước... Nếu cần có thể thay bằng thuốc chống trầm cảm mới ít có tác dụng kháng cholinergic.

Thuốc lợi tiểu (triamterene): Là một thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali có thể ngăn chặn cơ thể hấp thụ quá nhiều muối và ngăn ngừa tình trạng nồng độ kali máu quá thấp. Triamterene được sử dụng để điều trị tình trạng giữ nước (phù) ở những người bị suy tim sung huyết, xơ gan hoặc hội chứng thận hư. Tác dụng phụ của thuốc gây khô miệng và hôi miệng.

Thuốc có chứa hoạt chất paraldehyde được sử dụng để điều trị các cơn co giật rối loạn, các bệnh thần kinh và tâm thần giúp bình tĩnh hoặc thư giãn cho bệnh nhân đang lo lắng hay căng thẳng... Do khoảng 30% hoạt chất paraldehyde phân tán khắp cơ thể và đi tới phổi được bài tiết qua phổi, làm cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc này bị hôi miệng.

Một vài loại thuốc dùng trong việc trị chứng trào ngược acid có chứa dimethyl sulfate do có chứa sulfur cũng gây hôi miệng cho người dùng. Một số thuốc không cần toa bác sĩ có chứa cồn và hàm lượng cao đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Chất cồn làm khô miệng, chất đường làm thức ăn nuôi vi khuẩn và làm hơi thở càng có mùi khó chịu hơn.

Người uống rượu nhiều thì rượu gây khô miệng và hôi miệng, nhưng thuốc trị  nghiện rượu cũng sẽ gây hôi miệng. Chẳng hạn như disulfiram là thuốc trị nghiện rượu nhưng lại gây khô miệng, hôi miệng, vì trong dược phẩm này chứa nhiều sulfur.

Một số loại thuốc khác có thể gây khô miệng và hôi miệng như: thuốc trị mụn trứng cá, thuốc trị hen, thuốc trị tiêu chảy, rối loạn tâm thần, thuốc trị chứng đau nửa đầu (migraine), thuốc chống nôn, thuốc trị bệnh Parkinson...

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu bị khô miệng do thuốc, tốt nhất là nên giữ miệng đủ độ ướt, uống nước thường xuyên và tăng lượng nước so với lúc chưa dùng thuốc, nhai kẹo cao su không đường nhằm kích thích sự tiết nước bọt, tránh khô miệng. Có thể dùng nước súc miệng giúp sát khuẩn miệng, họng, làm mất mùi hôi miệng, làm thông cổ, tạo cảm giác thoải mái. Chỉ nên dùng 2-3 lần/ ngày, không nên lạm dụng nước súc miệng. Cũng có thể pha 5 giọt tinh dầu bạc hà trong 1 ly nước, súc miệng hoặc nhai lá bạc hà để giảm mùi hôi miệng.

DS. VŨ VĂN THẮNG
Ý kiến của bạn