Thuốc gây ảnh hưởng xấu đến luyện tập thể thao

08-01-2020 13:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Luyện tập thể dục thể thao, dù ở bất kỳ mức độ nào cũng luôn được khuyến khích vì những lợi ích với sức khỏe.

Tuy nhiên, có một số loại thuốc gây tác dụng không mong muốn làm ảnh hưởng xấu hay tương tác không tốt với hiệu quả của việc tập luyện cần được chú ý.

Thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc này cũng có thể được gọi là thuốc ức chế beta adrenergic. Chúng được sử dụng để điều trị các chứng bệnh như tăng huyết áp và cũng được kê đơn cho các tình trạng như bệnh tăng nhãn áp, chứng đau nửa đầu hoặc bệnh tim. Các thuốc chẹn beta có xu hướng làm giảm nhịp tim nên nó trực tiếp bị ảnh hưởng bởi một trong những tác động của tập thể dục là nhịp tim tăng lên. Điều này khiến cơ thể mâu thuẫn và mệt mỏi rất nhanh. Do đó, để tránh sự tương tác không có lợi này, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách tập thể dục khi đang dùng thuốc chẹn beta hay có thể lựa chọn loại thuốc điều trị khác thay thế. Trường hợp không thể thay thế thuốc, người bệnh nên được bắt đầu với liều lượng thấp nhất có thể để xem tập thể dục có bị ảnh hưởng xấu hay không.

Khi luyện tập thể thao cần tránh một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ.

Khi luyện tập thể thao cần tránh một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ.

Thuốc giảm đau

Thông thường, thuốc giảm đau có chứa một trong hai hoạt chất là acetaminophenvà ibuprofen. Đau là dấu hiệu cảnh báo tổn thương trong cơ thể, thường gặp là tổn thương mô nên nếu sử dụng thuốc giảm đau quá mức có thể làm lu mờ triệu chứng dẫn đến can thiệp muộn và có thể để lại di chứng. Chẳng hạn, nếu bị bong gân và chỉ sử dụng thuốc giảm đau thì người bệnh không thể lành bệnh mà còn khiến tổn thương khó hồi phục. Ngoài ra, với thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen có thể gây ra giữ nước, không tốt cho thận và gây căng thẳng thêm cho hệ thống tim mạch. Do đó, trước khi sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh nên được thăm khám cụ thể vì có những trường hợp phải có sự can thiệp khác ngoài thuốc giảm đau. Chẳng hạn như bị bong gân, việc cần làm trước tiên là nghỉ ngơi, hạn chế vận động chứ không phải dùng thuốc giảm đau. Bên cạnh đó, nếu dùng bừa và lạm dụng còn khiến bệnh nặng thêm.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm được khám phá trong thập niên 1950 và qua nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng trong y học đã trở thành một trong những loại thuốc thông dụng nhất hiện nay. Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị rối loạn trầm cảm và một số bệnh khác như rối loạn ăn uống, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)... Chúng có thể được sử dụng đơn liều hoặc kết hợp với các nhóm thuốc khác. Hiện nay có 4 nhóm thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng bao gồm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) và thuốc ức chế enzym monoamine oxidase (MAOIs). Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm ổn định các chất hóa học trong não và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, thuốc cũng gây tác dụng không mong muốn là mệt mỏi và buồn ngủ sau vài tuần sử dụng. Thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng phụ gây tăng cân. Trong khi đó, nghiên cứu tại Mỹ cho thấy tập thể dục có thể giúp cải thiện tâm trạng và tình trạng trầm cảm.  Vậy làm thế nào để người bệnh vừa sử dụng thuốc lại có thể kết hợp với tập luyện để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh? Lời khuyên là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để lựa chọn loại thuốc chống trầm cảm nhưng không gây buồn ngủ hoặc lựa chọn liều thấp hơn hay thay đổi thời gian uống thuốc như uống trước khi đi ngủ... để khỏi ảnh hưởng đến việc luyện tập...

Thuốc kháng histamin

Buồn ngủ là một tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc kháng histamin, đặc biệt là các thuốc thế hệ cũ như chlopheniramin... Nếu bạn uống thuốc kháng histamin và chạy bộ thì buồn ngủ có thể khiến bạn bị lạc đường, thậm chí bị thương. Để tránh những tai nạn không đáng có này, người bệnh nên lựa chọn những loại thuốc kháng histamin thế hệ mới không gây buồn ngủ và được ghi rõ trong thông tin của thuốc. Trường hợp đặc biệt, nếu bạn vẫn muốn hoặc bắt buộc phải dùng loại thuốc có tác dụng phụ này thì nên sử dụng đúng cách, tốt nhất là không nên thực hiện việc tập luyện trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc.

Thuốc kháng histamin được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng ở mũi (ví dụ như: ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi), nổi mày đay, ban da, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, các trường hợp bị côn trùng cắn...


Nguyễn Lê Phương
Ý kiến của bạn