Tôi bị táo bón, mỗi tuần chỉ đi đại tiện được 1 - 2 lần, tình trạng phân khô và rắn. Tôi có thể dùng thuốc gì để điều trị bệnh này?
Nguyễn Thị Thơm (Hải Dương)
Lời khuyên đầu tiên dành cho bạn là nên đi khám bệnh tại chuyên khoa tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân gây táo bón. Từ đó bác sĩ mới chỉ định việc điều trị cho bạn được. Tuy nhiên, qua câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:
Táo bón do nhiêu nguyên nhân, bao gồm: Rối loạn chức năng vận động đại tràng do sai lầm trong ăn uống (ăn thiếu chất xơ sợi, uống quá ít nước); Ít vận động (làm nghề ngồi nhiều như thợ may, thư ký đánh máy), thường xuyên nín nhịn đi tiêu làm mất phản xạ đại tiện; Rối loạn chuyển hóa và nội tiết (tăng canxi máu, nhược giáp); Tổn thương thực thể ở đại tràng, trực tràng, hậu môn gây trở ngại đường đào thải phân. Các thuốc chứa opium (thuốc phiện), kháng axit trị viêm loét dạ dày - tá tràng, chống trầm cảm... có thể gây táo bón.
Về thuốc trị táo bón, có thể chia làm 5 loại: Thuốc trị táo bón tạo khối (như methyl cellulose) khi uống không hấp thu, có tính hút nước và trương nở làm tăng khối lượng phân; Thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu (như lactulose, sorbitol, forlax) giúp giữ chất lỏng trong ruột làm dễ đi tiêu; thuốc làm trơn phân (như dầu paraffin); Thuốc làm mềm phân (ống bơm chứa glycerol) bơm vào hậu môn; Thuốc nhuận tràng kích thích mạnh ruột gây xổ.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc táo bón phải hết sức hạn chế. Không được dùng trong thời gian kéo dài, nếu sau 7-10 ngày mà không hiệu quả phải đi khám bệnh. Nên dùng loại thuốc ít tác dụng phụ (thuốc tạo khối, thẩm thấu, bơm hậu môn), nếu không cải thiện mới dùng thuốc trị táo bón loại kích thích - cho tác dụng mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ có hại (làm mất trương lực ruột, mất kali). Khi lạm dụng thuốc trị táo bón loại kích thích đưa đến hai hậu quả: bị phụ thuộc thuốc và bị các tác dụng phụ của thuốc.
Cách tốt nhất là phòng ngừa táo bón bằng các biện pháp không dùng thuốc như: Ăn nhiều chất xơ sợi (rau cải, hoa quả) hơn, uống nhiều nước (1,5-2 lít nước hằng ngày, thêm nước cam, nước chanh); Tái huấn luyện phản xạ đại tiện (đi tiêu đúng giờ cố định); Chống nếp sinh hoạt tĩnh tại (nên vận động, tập thể dục thể thao)...
DS. Dương Tuyết